Kết luận thanh tra việc thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện 7 cho thấy EVN chưa hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao.
Thông tin về việc công ty mẹ EVN lỗ khủng hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi các công ty con, công ty trong ngành vẫn kinh doanh có lãi đã trở thành chủ đề nóng hiện nay.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị phải thanh tra, kiểm toán đặc biệt, toàn diện mọi hoạt động của EVN.
Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Công thương đã làm việc với đoàn thanh tra chuyên về ngành điện về việc quản lý và cung ứng điện tại EVN. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên còn yêu cầu Đoàn thanh tra "cần tiến hành khẩn trương, quyết liệt trong thời gian 30 ngày kể cả ngày nghỉ”. Đoàn thanh tra sẽ làm việc từ ngày 10/6/2023.
Khoản đầu tư thua lỗ ngàn tỷ vào EVN Telecom
Tập đoàn điện lực Việt Nam là một tập đoàn kinh tế lớn, do nhà nước làm chủ sở hữu. Tập đoàn chính có nhiệm vụ điều hành toàn bộ ngành điện, bao gồm: phát điện, truyền tải điện, phân phối; đầu tư xây dựng trên cơ sở các tổng sơ đồ phát triển điện đã được phê duyệt.
Tuy vậy, ngoài nhiệm vụ về điện, cùng với phong trào đầu tư ngoài ngành, EVN cũng bước ra sân chơi đầu tư trong nhiều lĩnh vực, trong đó có tài chính, ngân hàng, viễn thông, giáo dục… với những khoản đầu tư vào An Bình Bank, Công ty tài chính cổ phần điện lực, EVN Telecom, đầu tư vào giáo dục thông qua trường Đại học điện lực Hà Nội, Đại học điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, khoản đầu tư vào bất động sản thông qua các công ty con…
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố tháng 1/2014, tính đến hết năm 2011 công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp 121.790 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ công ty mẹ EVN chỉ có 76.742 tỷ đồng - vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đồng là chưa đúng quy định. Đầu tư ngoài ngành vào tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán số tiền gần 2.000 tỷ đồng, vượt tỷ lệ quy định. Đáng chú ý, việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả kinh tế.
* Không chỉ EVN, mà các công ty con cũng không bảo toàn được vốn nhà nước
Kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố tháng 1/2014 cũng cho thấy một thực tại là không chỉ EVN, các công ty con cũng đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và không bảo toàn được vốn Nhà nước.
Số liệu cụ thể được công bố ghi rõ:
-Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia (NPT) không bảo toàn được vốn nhà nước; tỷ lệ nợ phải trả/vốn điều lệ năm 2011 vượt quy định; chỉ định thầu không đúng quy định…
-Tổng công ty điện lực Hà Nội cũng không bảo toàn được vốn nhà nước trong năm 2011, vốn chủ sở hữu giảm 328 tỷ đồng; tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quy định; đầu tư ngoài ngành (ngân hàng và bất động sản) hơn 61 tỷ đồng.
-Tổng công ty điện lực Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính, số tiền 141 tỷ đồng. Ngoài ra EVN HCM còn hạch toán các khoản trích khấu hao tài sản thuộc các dự án ngoài vào chi phí sản xuất kinh doanh điện.
-Tổng công ty điện lực miền Bắc EVN NPC đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính số tiền hơn 52 tỷ đồng; chuyển nhượng cổ phần tại Thủy điện Quế Nho 1 cho Tập đoàn Bitexco nhưng không thông qua đấu giá.
-Tổng công ty điện lực Miền Nam EVN SPC đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính số tiền 180,5 tỷ đồng.
* Khoản đầu tư thua lỗ nghìn tỷ vào EVN Telecom
Khoản đầu tư vào mảng viễn thông của EVN có thể được xem là khoản đầu tư nổi cộm nhất trong lịch sử đầu tư của Tập đoàn điện lực Việt Nam. Tham vọng dấn thân vào lĩnh vực hạ tầng viễn thông dù đã được cảnh báo trước vẫn quyết đầu tư, đã khiến EVN thua lỗ nghìn tỷ, hệ quả kéo dài nhiều năm mới giải quyết xong.
EVN Telecom được thành lập năm 1995 với chức năng quản lý vận hành, khai thác mạng thông tin viễn thông điện lực, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện và kinh doanh của EVN. Đến hết 31/12/2010 EVN đã đầu tư vào EVN Telecom trên 2.400 tỷ đồng.
Theo nguồn tin từ Báo công thương, kết luận của kiểm toán nhà nước cho thấy, năm 2010 EVN Telecom lỗ hơn 1.000 tỷ đồng chưa kể hoản chi phí thiết bị đầu cuối hơn 1.000 tỷ đồng chờ phân bổ từ năm 2006-2008 không kết chuyển vào chi phí hoạt động kinh doanh mà điều chuyển cho các công ty điện lực bằng cách EVN Telecom sẽ phát hành hóa đơn ghi nợ khoản tiền trên cho các tổng công ty điện lực, các đơn vị này nhận nợ, đồng thời hạch toán giảm nợ phải trả, tăng vốn đầu tư của EVN tại đơn vị.
Trước tình trạng đầu tư thua lỗ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao Viettel tiếp nhận toàn bộ EVN Telecom từ 1/1/2012 – chính thức khai tử thương hiệu viễn thông này. Tuy vậy hệ quả còn kéo dài nhiều năm sau đó.
* Gian nan thoái vốn với khoản đầu tư vào EVNFinance
EVNFinance thành lập tháng 9/2008 với sứ mệnh và mục tiêu thu xếp vốn và quản lý nguồn vốn chuyên nghiệp cho Tập đoàn điện lực Việt Nam. EVNFinance lúc đó có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, đứng trong TOP cao nhất về quy mô trong hệ thống tài chính lúc đó.
Sau kết luận Thanh tra Chính phủ công bố tháng 1/2014, EVN đã nỗ lực thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành. Tuy vậy quá trình thoái vốn tại EVNFinance cũng rất gian nan, kéo dài hơn 5 năm với rất nhiều lần mang cổ phần ra bán đấu giá.
EVN lí giải khoản thua lỗ hơn 26 ngàn tỷ
Thông tin từ website của EVN, kết quả kiểm tra chi tiết chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN cho thấy, năm 2022 Tập đoàn lỗ 26.235 tỷ đồng (không tính thu nhập từ sản xuất khác), trong đó riêng hoạt động kinh doanh điện lỗ gần 36.300 tỷ đồng.
Website còn cho biết, theo kết quả kiểm tra, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 bao gồm: phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019, 2020, 2021 với tổng khoảng 14.700 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu hạch toán, số lỗ còn cao hơn.
Báo cáo còn ghi nhận, sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2022 là 242,72 tỷ kWh, tăng 7,73% so với năm 2021. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2022 là 456.971,15 tỷ đồng, tăng 9,31% so với năm 2021. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2022 là 1.882,73đ/kWh, tăng 1,46% so với năm 2021.
* Một câu hỏi đặt ra là: sản lượng điện tăng, giá bán điện tăng, tại sao EVN lỗ lớn?
EVN chưa công bố báo cáo tài chính năm 2022, tuy vậy báo cáo tài chính công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận số lỗ 22.200 tỷ đồng với nhiều chi tiết đáng chú ý:
- Kinh doanh dưới giá vốn: Báo cáo cho thấy chi phí vốn lớn hơn doanh thu, nên công ty lỗ gộp gần 13.400 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Tuy vậy nguyên nhân tại sao giá vốn tăng cao, trong khi các doanh nghiệp cùng ngành, cùng điều kiện kinh doanh vẫn có lãi?
Cấu thành chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố trong kỳ 203.660 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Trong số đó, chi phí cho nguyên, nhiên liệu, chi phí vật liệu tổng gần 7.400 tỷ đồng - chỉ tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ. Chi phí nhân công cũng gần như đi ngang. Chi phí khấu hao tài sản không có nhiều biến động. Khoản chi phí biến động nhiều nhất là chi phí dịch vụ mua ngoài 185.407 tỷ đồng, tăng gần 149.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.
- Chi phí tài chính tăng mạnh: Tổng chi phí tài chính trong năm hết 12.737 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chỉ hơn 2.700 tỷ đồng. Lỗ tỷ giá cũng chỉ chưa đến 150 tỷ đồng. Còn lại là 9.880 tỷ đồng “chi phí tài chính khác”.
Đây là những nguyên nhân chính trên thuyết minh báo cáo tài chính dẫn tới khoản lỗ khổng lồ nửa đầu năm 2022 của EVN.
Câu chuyện EVN bị đề nghị thanh tra, kiểm toán đặc biệt, toàn diện 1 lần nữa lại khiến giới chuyên môn, nhà đầu tư “lục” lại kết quả thanh tra EVN thực hiện giai đoạn 2012-2014. Kết qủa thanh tra lúc đó không chỉ chỉ ra sự điều hành yếu kém của lãnh đạo Tập đoàn, còn chỉ ra nhiều vẫn đề bất cập lúc đó khiến câu “EVN tăng giá điện” trở nên nóng.
Kết quả thanh tra cho thấy EVN đã phân bổ, hạch toán rất nhiều khoản không đúng vào giá thành điện như việc mua xe ô tô vượt quá mức quy định; đưa chi phí xay dựng nhà biệt thự đơn lập, song lập, chung cư cao tầng đi kèm bể bơi, sân tenis phục vụ mục đích sinh hoạt cho CBCNV với tổng số tiền hơn 595 tỷ đồng vào chi phí đầu tư của 6 dự án nguồn điện.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ tháng 4/2023 có gì?
Lý giải về việc EVN thua lỗ trong khi các thành viên lãi cao, và vấn đề lãng phí điện mặt trời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương: Cái này có vướng gì không? Nếu vướng về vấn đề giá điện thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để cùng xây dựng giá, đảm bảo giải toả được nguồn vốn ứ đọng mà các doanh nghiệp đã vay vốn ngân hàng và bỏ vốn ra làm.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Công Thương bảo rằng “không phải vướng về giá, mà vướng về công suất, tức là hiện nay chúng ta đủ tải rồi”.
“Tôi có hỏi lại, nếu chúng ta đủ tải rồi thì tại sao cho làm. Còn nếu đã làm rồi thì tại sao không giảm bớt điện mua của nước ngoài? Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời là đã ký hiệp định với nước ngoài rồi, bây giờ không thể đàm phán để cắt được. Đấy là nguyên nhân. Chúng ta phải đi tận gốc rễ của vấn đề để thấy được nguyên nhân từ đâu và phải giải quyết như thế nào”, ông Phớc cho hay.
Quay trở lại với quy hoạch điện, trước đó tháng 4/2023 Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách trong quản lý thực hiện các công trình điện theo quy hoạch điện 7 và quy hoạch điện 7 điều chỉnh (quy hoạch điện 7, quy hoạch điện 7 điều chỉnh – là quy hoạch phát triển điện giai đoạn 2011-2020). Hai kết luận quan trọng của Thanh tra Chính phủ đã nói rõ một phần về hiện trạng thiếu điện hiện nay.
EVN chưa hoàn thành kế hoạch đầu tư các dự án nguồn điện. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 EVN được giao thực hiện đầu tư, đưa vào vận hành 13 dự án nhiệt điện, thủy điện với tổng công suất 7.185MW. Tuy vậy kết quả, EVN và các đơn vị thành viên chỉ hoàn thành đưa vào vận hành 19 tổ máy thuộc 11 dự án, tổng công suất 5.908MW, đạt 82,2%.
EVN chưa hoàn thành chỉ tiêu đầu tư nguồn điện và lưới điện truyền tải. Kết luận nêu rõ, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, EVN phải thường xuyên cập nhật nhu cầu phụ tải, khả năng cung cấp nhiên liệu, tình hình đầu tư các dự án nguồn và lưới để tính toán cân đối cung - cầu điện. Tuy vậy, EVN đã không hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Việc đầu tư đường dây đạt tỷ lệ thấp, nhiều dự án chậm tiến độ, không đáp ứng đủ năng lực truyền tải theo quy hoạch, nhất là việc giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời nối lưới đầu tư ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên; không hoàn thành việc đấu lưới điện truyền tải cũng là một trong những nguyên nhân của thực trạng quá tải cục bộ phải cắt giảm công suất phát điện của nhà máy, ảnh hưởng đến hệ thống vận hành điện.
Liệu quy hoạch điện 8 đã tỏa sáng ngay? Một trong những thực trạng chính khiến việc thiếu điện xảy ra nhưng hàng loạt dự án điện tái tạo đang chờ cơ chế như hiện nay là vấn đề truyền tải. Kết luận thanh tra chính phủ cũng nêu rõ, nguồn điện mặt trời phụ thuộc vào thời tiết, tính ổn định thấp, do đó việc đầu tư điện mặt trời nối lưới tập trung chủ yếu ở khu vực các tỉnh miền Trung Tây Nguyên.
Song các tỉnh này lại là khu vực có phụ tải thấp, cần có phương án truyền tải để giải tỏa công suất. Tuy vậy lưới điện đã không được đầu tư kịp thời, đồng bộ dẫn đến mất cân đối giữa nguồn và lưới, cơ cấu nguồn điện. Liệu thiếu lưới truyền tải có phải là ngọn nguồn của nguy cơ thiếu điện hiện nay?
Từ 10/6/2023 đoàn thanh tra về việc quản lý, cung ứng điện tại EVN sẽ bắt đầu làm việc.
Không để bức xúc kéo dài, thanh tra EVN ngay ngày mai
EVN kinh doanh thế nào dưới thời "tướng về hưu" Dương Quang Thành?
Chuyển 6 'ông lớn' có doanh thu hàng triệu tỷ từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về Bộ Công Thương
Liên danh PC1 trúng thầu tuyến cáp ngầm 5.000 tỷ đồng kéo điện ra Côn Đảo