Theo FiinGroup, tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trong năm 2023 dự kiến sẽ thấp hơn đáng kể so với năm 2022 do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố.
Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng được các chuyên gia phân tích của FiinGroup dự báo tăng 33,3% so với năm trước và đây là mức tăng trưởng trong kế hoạch.
Trong năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng dự kiến sẽ thấp hơn đáng kể so với năm trước do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố.
Theo đó ngay cả Vietcombank, quán quân lợi nhuận ngân hàng hiện tại, cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn là 12%, chỉ bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng của năm 2022.
Trong bối cảnh vĩ mô kém tích cực, FiinGroup chỉ ra 5 vấn đề mà ngành ngân hàng phải đối mặt trong năm 2023.
Đầu tiên, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao nhất là huy động tiền gửi. Điều này tạo áp lực lên việc duy trì NIM ở mức như hiện nay. Mặt bằng lãi suất cao cũng thể hiện ở lợi tức hay lãi suất trái phiếu chính phủ hiện đã tăng gần 80-100 điểm cơ bản và điều này tạo áp lực lên thu nhập từ hoạt động đầu tư mặc dù về hạch toán kế toán thì hầu hết danh mục đầu tư hiện chưa phản ánh theo giá thị trường.
Thứ hai, thu nhập hoạt động dịch vụ phi tín dụng, chủ yếu là bán chéo bảo hiểm, mặc dù đã tăng trưởng mạnh và chiếm khoảng 18.6% tổng thu nhập nhưng hiện không còn dồi dào như mấy năm trước.
Thứ ba, áp lực về đẩy mạnh cho vay do thị trường bất động sản (hiện chiếm khoảng 20% tổng tín dụng) đang gặp khó và thanh khoản chung của nền kinh tế đang bị “nghẽn” ở lĩnh vực BĐS. Tăng trưởng tín dụng năm 2022 ( tăng 14,5%) thấp hơn hạn mức cho phép (tăng 16%).
Thứ tư, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đang tăng lên do nhiều khoản cho vay với BĐS có thể trở thành nợ xấu nếu tín dụng vào lĩnh vực này tiếp tục bị thắt chặt.
Thứ năm, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phi ngân hàng hiện chiếm tỷ trọng không quá lớn, khoảng 7,6% tổng dư nợ tín dụng ở hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 10/2022, trong đó riêng trái phiếu bất động sản chiếm 3,8%.
Tuy nhiên, do môi trường lãi suất cao và nhiều dự án gặp khó về vấn đề pháp lý, triển vọng ngành bất động sản hiện nay kém tích cực, góp phần tăng nợ xấu chéo sang tín dụng ngân hàng khi có nhiều doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ trái phiếu.