Fomo thị trường chứng khoán đang yếu dần, Fomo "lòng tham" trỗi dậy khi nhà đầu tư muốn "về bờ"

21-01-2022 08:18|Đức Quân

Trong giai đoạn đỉnh điểm cuối năm 2021, có thời điểm nhà đầu tư cá nhân liên tục truyền nhau thông tin cổ phiếu càng lỗ, giá cổ phiếu càng tăng mạnh và săn tìm những cổ phiếu lỗ để mua vào.

Kết phiên ngày 20/1/2022, chỉ số VN-Index tăng 1,56% lên 1.465,3 điểm; độ rộng của thị trường nghiêng về xu hướng tích cực khi mà có tới 368 mã xanh (trong đó 73 mã tăng trần), 32 mã tham chiếu và 109 mã đỏ. Điều này trái ngược hoàn toàn với phiên bán tháo trước đó ngày 17/1 khi mà có tới 446 mã giảm điểm và 128 mã giảm sàn.

Về thanh khoản của thị trường, tổng khối lượng giao dịch trong phiên hôm nay đạt hơn 934 triệu đơn vị - tương ứng giá trị hơn 26.000 tỷ đồng trong đó giá trị giao dịch trên HOSE đạt gần 22.434 tỷ đồng - giảm nhẹ 2,5% so với phiên trước.

Dẫn nguồn tinnhanhchungkhoan.vn, xét về thanh khoản, dòng tiền vẫn đang cho thấy dấu hiệu tham gia thận trọng, mức thanh khoản phiên ngày 20/1 thấp hơn trung bình 20 phiên lũy kế gần nhất.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm đầu tư tăng trưởng, một số nhà đầu tư lâu năm thường không quá vội vàng đối với phiên hồi phục đầu tiên mà chờ tín hiệu xác định xu hướng rõ ràng trước khi giải ngân.

Ở thời điểm hiện tại, sau khi trải qua liên tiếp các phiên bán tháo, thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu rũ hàng lần cuối bằng các phiên dư bán sàn khối lượng lớn; tuy nhiên thanh khoản thị trường các phiên bắt đáy vẫn còn tương đối thấp như phiên 19/1 và 20/1/2022.

Chính vì vậy, nhà đầu tư cần tiếp tục quan sát các diễn biến trong các phiên hàng T+3 về tài khoản và dấu hiệu dòng tiền có tiếp tục tham gia mạnh vào thị trường để xác định xu hướng đảo chiều có thực sự đã diễn ra.

Mặc dù vậy, nhìn về xu hướng dài hạn và đặc biệt là mùa Đại hội cổ đông thường niên sau Tết Âm lịch, điều này sẽ mở ra cơ hội cho nhà đầu tư có thể kỳ vọng thị trường tiếp tục xu hướng hồi phục và tăng trưởng nhờ kỳ vọng mới trong đó năm 2022 được dự báo là năm kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao so với nền tảng thấp trong năm 2021 và có thêm động lực từ gói kích cầu lớn nhất từ trước tới này với quy mô 340.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đi kèm với chiến lược bắt đáy khi thị trường giảm điểm, nhà đầu tư cũng nên chuẩn bị kịch bản dự phòng nếu như bắt đáy sai nhịp và cổ phiếu giảm với một mức cắt lỗ dao động từ 7 - 10% và không có ngoại lệ.

Thực tế,  nếu cổ phiếu giảm 50% thì sẽ cần tăng 100% thì nhà đầu tư mới hòa vốn. Chính vì vậy, ngoài mục tiêu kiếm lãi, nhà đầu tư cũng nên đặt ra kế hoạch dự phòng nếu dự đoán sai để bảo vệ tài khoản.

Hiệu ứng FOMO đang mờ dần

Trong giai đoạn cuối năm 2021, hiện tượng FOMO (Fear of missing out - là hội chứng sợ bị bỏ lỡ, sợ mất cơ hội) liên tục diễn ra trên thị trường chứng khoán khi hàng loạt cổ phiếu thị giá thấp, doanh nghiệp kinh doanh đi xuống hoặc thậm chí lỗ kéo dài liên tục hút dòng tiền và vượt đỉnh. Điều này tạo ra kỳ vọng cổ phiếu sẽ tiếp tục phá đỉnh và nhà đầu tư nên mua nhanh không sẽ mất cơ hội đồng thời trổi dậy trường phái nhà đầu tư thích "đua đỉnh" các cổ phiếu vượt đỉnh và chạy theo dòng tiền mà “quên” phân tích cơ bản doanh nghiệp mình đầu tư.

Trong giai đoạn đỉnh điểm cuối năm 2021, có thời điểm nhà đầu tư cá nhân liên tục truyền nhau thông tin cổ phiếu càng lỗ, giá cổ phiếu càng tăng mạnh và săn tìm những cổ phiếu lỗ để mua vào.

Chính vì hiện tượng FOMO xảy ra, các cổ phiếu lỗ lớn như CEO, HUT, YEG, TTF, RIC, QBS,… hay như một số cổ phiếu vay nợ lớn, dòng tiền âm liên tục như CII, LDG, NBB,… nhóm thị giá thấp như FLC, HAI, HAR, QCG, HQC, DRH,… đã hút dòng tiền và liên tục lập đỉnh.

Tuy nhiên, sau khi chứng kiến hiện tượng “bị nhốt” tại cổ phiếu FLC, CII, QCG,… khi đặt bán giá sàn nhưng không thể khớp lệnh do không có người mua, nhìn tài sản bốc hơi theo từng ngày nhưng không thể làm gì.

Điều mà các nhà đầu tư mua theo hiệu ứng FOMO chưa bao giờ nghĩ tới kịch bản cổ phiếu đầu cơ, thị giá thấp sẽ mất thanh khoản và không bán được. Tuy nhiên, trải qua giai đoạn bán tháo vừa qua, hàng loạt cổ phiếu mất thanh khoản, điều này sẽ là một lời cảnh tỉnh đối với nhà đầu tư khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu đầu cơ và nguy cơ mất thanh khoản vẫn hiện hữu.

Mốc 1.230 điểm cản bước VN-Index, khối ngoại mua ròng trở lại

Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/fomo-thi-truong-chung-khoan-dang-yeu-dan-fomo-long-tham-troi-day-khi-nha-dau-tu-muon-ve-bo-121793.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Fomo thị trường chứng khoán đang yếu dần, Fomo "lòng tham" trỗi dậy khi nhà đầu tư muốn "về bờ"
    POWERED BY ONECMS & INTECH