Thế giới

FT: Samsung chìm sâu trong khủng hoảng toàn diện, đế chế công nghệ lớn nhất Hàn Quốc bị đe dọa

Nhã San 31/10/2024 - 21:15

Samsung Electronics đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, đẩy công ty vào một cuộc khủng hoảng sâu rộng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các đối thủ toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng trong mảng điện thoại thông minh

Samsung Electronics đang nỗ lực bảo vệ vị trí nhà sản xuất điện thoại thông minh bán chạy nhất thế giới, nhưng khó khăn chồng chất đang làm cuộc khủng hoảng của tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc ngày càng trầm trọng.

Trong top 5 nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, Samsung là hãng duy nhất có lượng xuất xưởng giảm trong quý III/2024, mất thị phần vào tay đối thủ lâu năm của Mỹ là Apple và các hãng Trung Quốc với những mẫu điện thoại gập mới.

FT: Samsung chìm sâu trong khủng hoảng toàn diện, đế chế công nghệ lớn nhất Hàn Quốc bị đe dọa - ảnh 1
Ảnh minh họa

Theo IDC, thị phần toàn cầu của Samsung trong quý III đã giảm từ 21% xuống còn 18% so với cùng kỳ năm trước, thu hẹp khoảng cách dẫn trước Apple chỉ còn 0,6%. Các nhà phân tích cũng ước tính lợi nhuận hoạt động của bộ phận điện thoại thông minh Samsung đã giảm tới 30% trong cùng kỳ.

“Hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của Samsung đang rơi vào tình trạng trì trệ”, Park Kang-ho, nhà phân tích tại Daishin Securities, nhận định. “Công ty hy vọng rằng điện thoại gập sẽ giúp họ vượt qua Apple, nhưng phản hồi của người tiêu dùng không mấy tích cực. Giờ đây, các hãng Trung Quốc đang đẩy mạnh các mẫu điện thoại gập để chiếm thị phần của Samsung”.

Sau 12 năm giữ vững vị trí dẫn đầu về doanh số điện thoại thông minh toàn cầu, Samsung đã bị Apple tạm thời vượt qua vào năm ngoái, trước khi lấy lại ngôi vị trong quý I/2024. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu TechInsights dự báo rằng các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) mới của Apple có thể giúp hãng công nghệ Mỹ vượt qua Samsung vào năm tới.

FT: Samsung chìm sâu trong khủng hoảng toàn diện, đế chế công nghệ lớn nhất Hàn Quốc bị đe dọa - ảnh 2

Top 5 nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới trong quý III/2024. Ảnh: FT

“Các thương hiệu Trung Quốc không chỉ cạnh tranh về giá mà còn về tính năng”, một nhân viên Samsung nhận định. “Chúng tôi lo ngại về động thái của các đối thủ và đang theo dõi hiệu suất của dòng iPhone mới”.

Thách thức trong lĩnh vực chip và nguy cơ mất vị thế dẫn đầu

Các thách thức của Samsung trong mảng điện thoại thông minh xuất hiện vào thời điểm nhạy cảm, khi công ty đối mặt với nhiều thất bại ở mảng bán dẫn, lĩnh vực chiếm tới 60% lợi nhuận hoạt động của công ty. Gần đây, lãnh đạo bộ phận chip đã phải xin lỗi công khai sau khi bị SK Hynix, một đối thủ nhỏ hơn, vượt qua trong phát triển chip nhớ tiên tiến cho phần cứng liên quan đến AI.

Chuyên gia cho rằng nhiều vấn đề tại các bộ phận khác nhau của tập đoàn có liên quan mật thiết với nhau, khi có báo cáo cho rằng Samsung có thể buộc phải chuyển sang sử dụng chip bộ xử lý ứng dụng di động của đối thủ Mỹ Qualcomm cho mẫu Galaxy S25 sắp ra mắt do sản lượng chip Exynos tự sản xuất ở mức thấp.

Samsung từ chối bình luận về các báo cáo. Giá cổ phiếu của Samsung đã lao dốc 32% kể từ mức cao nhất trong năm 2024 (được thiết lập vào ngày 9/7). Theo đó, vốn hóa của công ty đã bốc hơi khoảng 122 tỷ USD, giảm mạnh hơn bất kỳ nhà sản xuất chip nào khác trên thế giới.

“Samsung đang đối mặt với nhiều vấn đề mang tính cấu trúc trong hầu hết các lĩnh vực mà hãng từng thống trị, từ chip đến điện thoại thông minh và màn hình, do tâm lý tự mãn và bộ máy cồng kềnh”, Park Ju-geun, người đứng đầu nhóm nghiên cứu doanh nghiệp Leaders Index tại Seoul, nhận định.

Trên thị trường điện thoại thông minh, Samsung từng tiên phong với thiết bị gập, nhưng đã mất vị trí dẫn đầu vào tay đối thủ Trung Quốc Huawei vào đầu năm nay. Theo đó, Huawei chiếm 27,5% thị phần điện thoại gập trong quý II/2024, so với mức 16,4% của Samsung, theo IDC. Dù điện thoại gập chỉ chiếm 1,2% thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, đây lại là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trong một lĩnh vực nhìn chung đang trì trệ.

FT: Samsung chìm sâu trong khủng hoảng toàn diện, đế chế công nghệ lớn nhất Hàn Quốc bị đe dọa - ảnh 3

Lượng xuất xưởng điện thoại thông minh gập toàn cầu. Ảnh: FT

Huawei cũng ghi dấu ấn khi ra mắt điện thoại “gập ba” đầu tiên trên thế giới, chiếc Mate XT, với giá gần 3.000 USD (hơn 75 triệu đồng). Một đối thủ Trung Quốc khác, Honor, còn chế giễu Samsung tại một triển lãm ở Berlin bằng dòng chữ xin lỗi “siêu nhỏ” khắc trên mẫu Magic V3, gửi đến những khách hàng đã trải qua trải nghiệm “cồng kềnh” với các mẫu điện thoại của Samsung.

Samsung đang nỗ lực phản công với Galaxy Z Fold 6 phiên bản đặc biệt mỏng và nhẹ hơn, nhưng việc ra mắt bị trì hoãn vào 25/10 vừa qua đã nhận về nhiều chỉ trích khi mẫu mới không xuất hiện tại các cửa hàng. Samsung cho biết hãng chưa chuẩn bị đủ lượng hàng ban đầu.

Công ty cho biết dòng Galaxy S24 cao cấp tích hợp AI ra mắt từ tháng 1 đã nhận được phản hồi tích cực vượt kỳ vọng, và tính năng Galaxy AI dự kiến sẽ có mặt trên khoảng 200 triệu thiết bị Galaxy trong năm nay. Theo các nhà phân tích, thử thách lớn nhất sẽ là khả năng cạnh tranh của Galaxy S25, dự kiến ra mắt vào tháng 1 tới, đối đầu trực tiếp với iPhone và các thiết bị Android có tích hợp AI.

Jene Park, nhà phân tích tại Counterpoint Research, cho biết: “Họ cần thể hiện các dịch vụ AI độc đáo có thể khiến mọi người ngạc nhiên để duy trì lợi thế tiên phong của mình”.

Biến động trong bộ máy lãnh đạo

Samsung dự kiến sẽ tổ chức hội nghị qua điện thoại sau khi công bố báo cáo tài chính quý III, và có khả năng sẽ thông báo những thay đổi trong bộ máy lãnh đạo vào cuối năm nay.

Vào tháng 2, Chủ tịch Lee Jae-yong - cháu trai của nhà sáng lập Samsung - đã được tuyên trắng án khỏi cáo buộc thao túng cổ phiếu, kết thúc nhiều năm liên tiếp vướng vào các vụ kiện tụng pháp lý. Chỉ ba tháng sau, Samsung đã gây bất ngờ khi bổ nhiệm ông Jun Young-hyun, một chuyên gia kỳ cựu trong ngành chip nhớ, làm người đứng đầu bộ phận bán dẫn, thay thế vị trí lãnh đạo cũ.

FT: Samsung chìm sâu trong khủng hoảng toàn diện, đế chế công nghệ lớn nhất Hàn Quốc bị đe dọa - ảnh 4
Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong. Ảnh: Internet

Trước tình trạng cổ phiếu Samsung gần như chạm đáy lịch sử và nhiều chỉ báo kỹ thuật đang cho thấy dấu hiệu quá bán, ban lãnh đạo Samsung sẽ cần phải nỗ lực hết sức để thu hút nhà đầu tư quay trở lại.

Ông Park Jinho, Trưởng bộ phận đầu tư cổ phiếu tại NH-Amundi Asset Management, nhận xét: “Chúng tôi không kỳ vọng nhiều vào sự thay đổi tích cực của Samsung khi mà các giám đốc cấp cao và kỹ sư tiếp tục rời khỏi công ty.” Ông Park cũng đã giảm tỷ trọng cổ phiếu Samsung trong danh mục đầu tư của mình vào cuối quý II, chuyển sang nắm giữ nhiều cổ phiếu của SK Hynix hơn.

Theo Financial Times, Reuters

>> Hơn 1.000 công nhân Samsung ở quốc gia đông dân nhất thế giới tiếp tục đình công, từ chối thỏa thuận dù công ty đã ‘nhượng bộ’

Hàng nghìn công nhân Samsung ở đất nước đông dân nhất thế giới đình công

Samsung 'chật vật’ với chip AI, lãnh đạo lên tiếng xin lỗi vì lợi nhuận đáng thất vọng

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/ft-samsung-chim-sau-trong-khung-hoang-toan-dien-de-che-cong-nghe-lon-nhat-han-quoc-bi-de-doa-129345.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    FT: Samsung chìm sâu trong khủng hoảng toàn diện, đế chế công nghệ lớn nhất Hàn Quốc bị đe dọa
    POWERED BY ONECMS & INTECH