Gần 1 triệu tỷ đồng được đổ vào kinh doanh bất động sản, thị trường bao giờ ấm trở lại?
Vay vốn kinh doanh bất động sản tăng mạnh trong nửa năm qua, tiền đổ vào, thị trường bao giờ ấm trở lại?
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 7 tháng đầu năm đạt 980.000 tỷ, tăng gần 19% so với đầu năm, vượt tốc độ tăng cả năm ngoái (10,7%, tương đương 100.000 tỷ đồng). Như vậy, trong 7 tháng, có hơn 150.000 tỷ đồng vốn ngân hàng chảy thêm vào phân khúc kinh doanh bất động sản, chiếm gần 30% lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế.
NHNN nhận định đây là mức tăng trưởng cao, gấp hơn 4 lần mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (4,54%). Tín dụng bất động sản chiếm tỉ trọng khoảng 21% so với tín dụng toàn nền kinh tế.
Trong khi cho vay kinh doanh bất động sản tăng mạnh thì dư nợ người dân vay mua bất động sản trong 7 tháng đầu năm lại giảm 1,36%. Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường cho chủ đầu tư, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản đang sụt giảm.
Sau thời gian dài trầm lắng do những vướng mắc về vốn và pháp lý, mấy tháng trở lại đây, thị trường bất động sản đã có nhiều chuyển biến rõ rệt khi Chính phủ liên tục có chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Hàng loạt các giải pháp như hạ lãi suất, dừng hiệu lực Thông tư 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023, khoanh, giãn nợ...
Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch bung hàng trở lại. Lãi suất tiền gửi hạ sâu khiến lãi suất cho vay bất động sản cũng giảm.
Hiện các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án. Nhóm nhà đầu tư đang có nhu cầu “săn” các căn nhà đất, chung cư mini có dấu hiệu tăng mạnh.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, trong thời gian qua, hầu hết các giao dịch trên thị trường bất động sản chủ yếu là do đầu cơ, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp, không liên quan chặt chẽ đến nhu cầu thực tế. Khi thanh khoản thị trường còn yếu, cung - cầu vốn chưa gặp nhau thì việc tạo sự đột phá trong tăng trưởng tín dụng rất khó.
Để thúc đẩy tín dụng cho vay bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản cần phải khẩn trương cơ cấu lại nguồn hàng, nguồn lực, vấn đề vốn, đa dạng hóa sản phẩm, minh bạch trong việc quản lý; quản trị rủi ro tốt hơn... Đồng thời định vị lại các sản phẩm của mình phù hợp với phân khúc thị trường, hướng tới mục đích kinh doanh minh bạch hơn, dài hạn hơn.
Ngoài ra, cần triển khai tổng hòa các giải pháp từ Chính phủ đến các bộ, ngành và chính doanh nghiệp, khi nền kinh tế hồi phục, nhu cầu đầu tư vào thị trường bất động sản cũng sẽ tăng. Từ đó, sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này.
Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm trở lại vào các tháng cuối năm khi dòng tín dụng được khai thông.
Khoảng 1 triệu tỷ đồng vốn của các ngân hàng đang "om" trong thị trường bất động sản