Gần 1 tỷ USD tái bảo hiểm chuyển ra nước ngoài
Hiện thị trường tái bảo hiểm Việt Nam có 2 doanh nghiệp chuyên nghiệp vụ này là VINARE và Hanoi Re (PVI).
Theo số liệu từ Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt hơn 109.000 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt hơn 39.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ.
Năm 2023, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đã ghi nhận đạt hơn 71.000 tỷ đồng, tăng khoảng 3%.
Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ gặp khó khăn từ đầu năm 2023, sau cuộc khủng hoảng niềm tin. Trước đó, trong vòng 10 năm liên tiếp, khối này ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu phí ở mức hai con số mỗi năm.
Năm 2024, doanh thu phí thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm nhờ sự hồi phục tích cực của nhóm các nghiệp vụ bảo hiểm cá nhân (con người, xe cơ giới). Nghiệp vụ con người/sức khỏe (tỷ trọng 35% doanh thu thị trường) đã tăng trưởng đến khoảng 24% và nghiệp vụ xe cơ giới cũng có sự hồi phục tích cực với tốc độ tăng trưởng 1,2%.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT - Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc Gia Việt Nam (VINARE) chia sẻ với Vietnam Finance cho biết, trong tổng doanh thu phí nêu trên, khoảng 40% có nhu cầu tái bảo hiểm, còn lại 60% các DN tự xử lý được bằng dự phòng bồi thường vì nó đến từ các nghiệp vụ bảo hiểm sức khoẻ và xe cơ giới. Hai loại hình này chiếm gần 60% tỷ trọng các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.
Theo ông Tuấn, các loại bảo hiểm thương mại như tài sản, kỹ thuật, hàng hải… cho các dự án lớn đầu tư xây dựng lớn, trọng điểm quốc gia: nhiệt điện, cầu đường, sân bay… thường số tiền lớn, nên phần nhiều sẽ phải chuyển tái bảo hiểm ra nước ngoài.
“40% có nhu cầu tái bảo hiểm của tổng số hơn 71.000 tỷ đồng năm 2023, tương đương khoảng hơn 28 nghìn tỷ đồng, trong nước hiện tại có VINARE, Hanoi Re và năng lực giữ lại của các DNBH gốc chỉ được hơn 20%, còn lại hơn 22.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) sẽ phải tái ra nước ngoài”, ông Tuấn nêu ví dụ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bảo hiểm chính là “bà đỡ” của nền kinh tế, muốn kinh tế phát triển bền vững phải có sự an toàn về tài chính. Tại Việt Nam, theo chủ trương chung của Chính phủ, bảo hiểm là 1 trong các ngành sẽ gắn với tỷ trọng GDP, gắn với kinh tế. Mục tiêu của chính phủ đến 2025, doanh thu phí bảo hiểm chiếm 3%, 2030 chiếm khoảng 3,5% GDP.
Và khi nền kinh tế phát triển, GDP ngày càng tăng, nếu rủi ro xảy đến, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có 2 công cụ để đảm bảo khả năng thanh toán: Quỹ dự phòng bồi thường và tái bảo hiểm (tái trong nước và nhượng tái ra nước ngoài). Theo ông Tuấn, thực trạng tái bảo hiểm không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia và khu vực phát triển trên thế giới đều như vậy.
Việc tái bảo hiểm giúp cho doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để đảm bảo, bảo vệ sự phát triển của doanh nghiệp và an toàn tài chính cho người dân. Hiện thị trường Tái bảo hiểm Việt Nam có 2 doanh nghiệp là VINARE (Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam) và Hanoi Re (PVI).
Bảo hiểm AAA 'mỏi tay' xử lý hồ sơ, bồi thường 90 tỷ đồng thiệt hại sau bão Yagi
Từ tháng 1/2025, tăng mức phạt không đội mũ bảo hiểm và các lỗi phạt đến 8 triệu với xe máy