Tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ tín dụng bất động sản là hơn 2,28 triệu tỷ đồng, trong đó nợ xấu khoảng 1,62%, tương đương gần 37.000 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay 94% dư nợ bất động sản là cho vay trung, dài hạn (10 - 25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.
Trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi các đại biểu Quốc hội về nội dung mà Thống đốc Nguyễn Thị Hồng sẽ trả lời chất vấn, dự kiến vào chiều 8/6/2022 tới, đơn vị này cho biết, tổng dư nợ bất động sản của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 4/2022 là hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021. Mức này chiếm khoảng 20,44% tổng dư nợ với nền kinh tế, và tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực này khoảng 1,62% (tương đương gần 37.000 tỷ đồng).
Ngân hàng Nhà nước đánh giá, lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là một trong các lĩnh vực rủi ro với hoạt động ngân hàng; chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay trong lĩnh vực này đang là mối rủi ro lớn đối với hệ thống ngân hàng. Thời gian qua, thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá gây sốt ảo bất động sản, tình trạng đấu giá đất với giá cao bất thường... đã ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.
Tại báo cáo khẳng định, thời gian tới sẽ Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý để kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có bất động sản.