Hôm qua (22/10), Zhongzhi Enterprise đã thú nhận với các nhà đầu tư rằng công ty này đang nợ 420 tỷ nhân dân tệ (tương đương 58,7 tỷ USD), cao gấp đôi so với tài sản 200 tỷ nhân dân tệ.
“Ngân hàng trong bóng tối” hay còn gọi là "ngân hàng ngầm" (shadow banking) là cụm từ được dùng để chỉ những giao dịch tài chính, sản phẩm đầu tư nằm bên ngoài hệ thống ngân hàng và chịu rất ít sự quản lý của các cơ quan chức năng. Đó có thể là hoạt động cho vay tư nhân giữa các cá nhân, tiệm cầm đồ, cho vay nặng lãi cho đến những định chế tài chính chuyên nghiệp hơn như quỹ tín thác, các sản phẩm quản lý tài sản…
Các dịch vụ này đặc biệt phát triển ở Trung Quốc, cung cấp nguồn tín dụng cho những tổ chức và cá nhân vì nhiều lý do mà không thể tiếp cận với các nguồn cho vay chính thống. Theo thống kê lĩnh vực tín thác của nước này hiện có quy mô lên tới 3.000 tỷ USD.
Mới đây, theo tài liệu mà Bloomberg có được, một trong những “ngân hàng trong bóng tối” lớn nhất Trung Quốc vừa cảnh báo đang đứng trước bờ vực vỡ nợ nghiêm trọng.
Hôm qua (22/10), tập đoàn Zhongzhi Enterprise đã thú nhận với các nhà đầu tư rằng công ty này đang nợ 420 tỷ nhân dân tệ (tương đương 58,7 tỷ USD), cao gấp đôi so với tài sản 200 tỷ nhân dân tệ.
“Kết quả kiểm toán sơ bộ cho thấy tập đoàn đứng trước rủi ro rất lớn, không có đủ tài sản để chi trả nợ trong ngắn hạn. Các nỗ lực tự giải cứu đã thất bại”, lá thư gửi các cổ đông của Zhongzhi có đoạn.
Là một trong những công ty quản lý tài sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc, quản lý hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, Zhongzhi là ông lớn mới nhất lâm vào rắc rối trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản và tình trạng giảm tốc bao trùm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mới đây Zhongzhi đã thuê KPMG kiểm toán để chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc nợ. Trong khi đó, mảng quỹ tín thác đã nhận được sự trợ giúp của 2 tập đoàn tài chính lớn nhất Trung Quốc để có thể duy trì hoạt động.
Những định chế như Zhongzhi được quản lý rất lỏng lẻo dù mô hình kinh doanh ẩn chứa nhiều rủi ro. Họ sẽ huy động tiền tiết kiệm của các hộ gia đình rồi cho vay, đồng thời đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và thị trường hàng hóa.
Những năm gần đây, trong khi các đối thủ thu hẹp các hoạt động quá rủi ro, Zhongzhi và các công ty con mà đặc biệt là quỹ tín thác Zhongrong vẫn liên tục mở rộng hoạt động, tài trợ vốn cho những nhà phát triển bất động sản gặp rắc rối và thu mua tài sản từ nhiều công ty trong đó có China Evergrande.
Trung Quốc đang triển khai một loạt biện pháp để bình ổn thị trường bất động sản. Đầu tuần này xuất hiện thông tin về danh sách gồm 50 nhà phát triển sẽ được ưu tiên cấp vốn. Các biện pháp giải cứu trước đó bao gồm nới lỏng quy định về vay tín chấp cho người mua nhà, giảm thuế thu nhập và tăng cường vốn cho các dự án nhà ở giá cả phải chăng.
Tuy nhiên cho đến nay thị trường vẫn chưa thể hồi phục.
>> Quốc gia châu Á tỏa sáng, thế chân Trung Quốc thu hút các nhà đầu tư toàn cầu
Ngành bán dẫn Trung Quốc chứng kiến thành tựu ấn tượng bất chấp khó khăn
Tỉnh rộng nhất vùng Đồng bằng sông Hồng lọt ‘mắt xanh’ của tập đoàn xây dựng đến từ Trung Quốc