Gấp rút 'dọn ổ' cho siêu công trình đường sắt 200.000 tỷ đồng sắp khởi công, hàng nghìn hộ dân đang được di dời
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trị giá hơn 200.000 tỷ đồng sẽ khởi công vào tháng 12/2025. Các địa phương đang gấp rút giải phóng hàng nghìn hộ dân, chuẩn bị mặt bằng “sạch” để kịp tiến độ triển khai đại dự án.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng mức đầu tư 203.231 tỷ đồng đã được ấn định thời điểm khởi công vào tháng 12 năm nay.
Tính sơ bộ, dự án cần sử dụng khoảng 2.632ha đất. Quy mô đầu tư toàn tuyến là đường đơn, khổ 1.435mm; vận hành chung cho cả hành khách và hàng hóa. Tốc độ thiết kế 80 - 160 km/giờ tùy đoạn.
Điểm đầu của dự án tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (Hải Phòng). Chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km; chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9km. Tuyến đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
.jpg)
Gấp rút di dời hàng nghìn hộ dân, chuẩn bị mặt bằng "sạch" trước khởi công
Trong văn bản chỉ đạo ngày 4/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng, do Bí thư Tỉnh ủy hoặc Thành ủy làm Trưởng ban và phải hoàn tất giải phóng mặt bằng (GPMB) trong năm 2025. Các địa phương cần chủ động xây dựng khu tái định cư và tổ chức thực hiện ngay, không phải lập lại chủ trương đầu tư cho phần việc này.
Ngay lập tức, ngày 5/5, Ban Chỉ đạo GPMB Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua địa bàn tỉnh Lào Cai đã được thành lập. Ông Trịnh Xuân Trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, giữ chức Trưởng Ban Chỉ đạo.
![]() |
Lào Cai thành lập Ban Chỉ đạo GPMB ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng |
Trước đó, Lào Cai đã khẩn trương triển khai các công việc kỹ thuật như cắm mốc ranh giới thực địa (hơn 1.500 điểm), đo đạc bản đồ địa chính phục vụ công tác GPMB. Tổng diện tích cần thu hồi tại địa phương khoảng 780ha, với bề rộng GPMB trung bình từ 30 - 130m tùy vị trí.
Để phục vụ dự án, sẽ có khoảng 950 hộ dân và 91 cơ sở sản xuất tại các cụm công nghiệp như Đông Phố Mới, Sơn Mãn - Vạn Hòa phải di dời. Lào Cai dự kiến triển khai 20 dự án tái định cư, với tổng mức đầu tư hơn 1.093 tỷ đồng.
Ngày 6/5, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng - ông Nguyễn Văn Tùng trực tiếp đi kiểm tra thực địa tại các khu vực dự kiến tuyến đường sắt đi qua. Tại buổi kiểm tra, ông Tùng đã có chỉ đạo đôn đốc công tác quản lý và chuẩn bị mặt bằng, sẵn sàng cho giai đoạn triển khai dự án.
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng lưu ý: “Công tác GPMB là vấn đề then chốt của mọi dự án hạ tầng. Nếu không chuẩn bị tốt từ bây giờ, dù dự án có nguồn vốn và thiết kế hoàn chỉnh đến đâu cũng sẽ bị đình trệ”.
Tại địa bàn Hải Phòng, tuyến chính có chiều dài khoảng 48,9km và 2 tuyến nhánh dài hơn 18,9km, gồm tuyến từ ga Nam Hải Phòng đến ga Nam Đồ Sơn và tuyến từ Trạm tác nghiệp kỹ thuật Nam Đình Vũ đến ga Đình Vũ. Tốc độ thiết kế của tuyến chính là 160 km/h, còn các tuyến nhánh đạt 80 km/h. Dự kiến, diện tích cần giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố khoảng 370ha, thuộc 5 quận, huyện.
![]() |
Lãnh đạo TP. Hải Phòng đi thực địa, bám sát công tác GPMB |
Cùng ngày, lãnh đạo huyện Văn Yên (Yên Bái) cũng tổ chức họp triển khai công tác GPMB cho dự án. Tuyến đường sắt sẽ đi qua địa bàn 7 xã của huyện với tổng chiều dài khoảng 50km.
Theo thống kê sơ bộ, diện tích đất thu hồi trong phạm vi GPMB của dự án trên địa bàn huyện Văn Yên dự kiến khoảng 324ha. Số hộ bị thu hồi đất khoảng 1.480 hộ; trong đó, số hộ có đất ở cần bố trí tái định cư là 633 hộ. Huyện hiện đang dự kiến xây dựng 16 khu tái định cư phù hợp để bố trí cho các hộ dân có đất ở bị thu hồi.
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có ý nghĩa chiến lược trong việc hình thành mạng lưới vận tải hành lang Đông - Tây ở miền Bắc, kết nối vùng Tây Bắc với Đồng bằng sông Hồng và cảng biển Hải Phòng - cửa ngõ hàng hải trọng yếu của Việt Nam.
Tuyến đường này cũng sẽ kết nối trực tiếp với khu vực Tây Nam (Trung Quốc), nơi có quy mô dân số trên 500 triệu người và đang phát triển mạnh, từ đó mở rộng liên kết với mạng lưới đường sắt Á - Âu. Dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển đô thị, thương mại, du lịch; giảm áp lực giao thông đường bộ; tiết kiệm chi phí logistics; góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững.