Tài chính Ngân hàng

GenZ Việt Nam thay đổi tâm lý: Từ chi tiêu cảm tính đến tích lũy và đầu tư

Mạnh Cường 11/11/2024 5:28

Các chuyên gia cho biết Gen Z và Gen Y hiện đang có xu hướng tiết kiệm và đầu tư mạnh mẽ hơn các nhóm khác.

Báo cáo Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng ASEAN 2024 do Ngân hàng UOB công bố mới đây cho thấy, 8 trong 10 người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy tích cực về tình hình kinh tế hiện tại, trong khi 7 trên 10 người cho biết lạc quan về triển vọng kinh tế. Tuy nhiên, tình hình kinh tế phức tạp đã thay đổi đáng kể tâm lý chi tiêu của người Việt, đặc biệt là nhóm Gen Z.

Ông Paul Kim, Giám đốc Khối Dịch vụ Tài chính Cá nhân, Ngân hàng UOB Việt Nam, nhận định rằng dù lo ngại suy thoái đã giảm so với năm ngoái, 77% người tiêu dùng Việt Nam vẫn bày tỏ lo lắng về các vấn đề tài chính, trong đó Gen Z (87%) lo ngại cao nhất.

Đặc biệt, Gen Z và Gen Y hiện đang có xu hướng tiết kiệm và đầu tư mạnh mẽ hơn các nhóm khác. Báo cáo chỉ ra, Gen Z dành tới 32% thu nhập cho tiết kiệm trong năm 2024, tăng nhẹ so với 30% của năm 2023. Nhóm Gen Y và phân khúc trung lưu cũng gia tăng đầu tư hơn trước.

Trước đây, Gen Z được xem là đối tượng tiêu dùng tiềm năng với xu hướng mua sắm cảm tính. Tuy nhiên, áp lực kinh tế và làn sóng sa thải đã thúc đẩy họ thận trọng hơn. Theo khảo sát từ Shopee và Kantar Profiles vào tháng 6/2024, Gen Z đã chuyển từ mua sắm "bốc đồng" sang mua sắm "có chủ đích", với gần 50% trong số họ dành ít nhất 5 ngày nghiên cứu sản phẩm trước khi mua, bao gồm đọc đánh giá và xem video giới thiệu.

GenZ Việt Nam thay đổi tâm lý: Từ chi tiêu cảm tính đến tích lũy và đầu tư
Nguồn: Ngân hàng UOB

Đồng thời, Gen Z đang dần hình thành tư duy đầu tư sớm với mong muốn "tiền đẻ ra tiền", nổi lên như một thế hệ nhà đầu tư tiềm năng. Một đại diện từ The Moneyverse, chương trình đầu tư thực chiến do SSI và BIDV đồng tổ chức, chia sẻ: “Gen Z không chỉ muốn kiếm tiền mà còn quan tâm tới kiến thức quản lý tài chính thông minh. Họ nghiên cứu các phương pháp đầu tư, lập kế hoạch tài chính cá nhân, và tạo thu nhập bền vững từ sớm.”

Theo ông Phạm Lưu Hưng, đại diện của SSI, trong bối cảnh chỉ 30% người trưởng thành ở Việt Nam có hiểu biết về tài chính (thấp hơn mức trung bình của ASEAN là 38%), thì việc đầu tư vào giáo dục tài chính là rất quan trọng. Đây sẽ là nền tảng để xây dựng một thế hệ nhà đầu tư chuyên nghiệp và phát triển bền vững cho thị trường tài chính trong tương lai.

>> ĐBQH: Lương khởi điểm của công chức xuất sắc chỉ đủ thuê nhà bình dân, chi tiêu hết sức tằn tiện

Chân dung tân tỷ phú giàu nhất Trung Quốc: Cựu nhân viên Microsoft, đứng sau ứng dụng định hình văn hóa GenZ

Việt Nam có hơn 8,8 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, dấu ấn từ lực lượng GenZ

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/genz-viet-nam-thay-doi-tam-ly-tu-chi-tieu-cam-tinh-den-tich-luy-va-dau-tu-259258.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    GenZ Việt Nam thay đổi tâm lý: Từ chi tiêu cảm tính đến tích lũy và đầu tư
    POWERED BY ONECMS & INTECH