Thị trường

Giá bạc leo đỉnh 12 năm, giá cà phê tiếp tục suy yếu

baochinhphu 23/10/2024 - 11:08

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đón nhận lực mua tích cực trong phiên giao dịch ngày 22/10.

Giá bạc leo đỉnh 12 năm, giá cà phê tiếp tục suy yếu- Ảnh 1.

Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng 1,21% lên 2.193 điểm. Đáng chú ý, sắc xanh chiếm áp đảo trên thị trường kim loại, trong đó, giá bạc lên mức cao nhất trong 12 năm nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn gia tăng. Trong khi đó, thị trường nguyên liệu công nghiệp đi ngược chiều với xu hướng chung của toàn thị trường khi nhiều mặt hàng đồng loạt giảm giá.

Lực mua quay lại thị trường kim loại

Khép lại ngày giao dịch hôm qua, lực mua quay lại trên thị trường kim loại hỗ trợ phần lớn mặt hàng trong nhóm đồng loạt tăng giá. Đối với kim loại quý, giá bạc tiếp tục dao động quanh vùng giá cao nhất 12 năm nhờ tăng 2,83% lên 35,04 USD/ounce. Đây cũng là phiên tăng thứ ba liên tiếp của giá bạc. Giá bạch kim cũng phục hồi trở lại khi bật tăng 2,42% lên 1.041,4 USD/ounce. Giá kim loại quý tiếp tục được hưởng lợi khi nhu cầu đầu tư tài sản trú ẩn an toàn tăng cao trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông.

Giá bạc leo đỉnh 12 năm, giá cà phê tiếp tục suy yếu- Ảnh 2.

Lực mua bạc và bạch kim cũng gia tăng sau dự báo mới đây của Citigroup. Ngân hàng này đã điều chỉnh dự báo giá bạc trong 6 đến 12 tháng tới lên 40 USD/ounce, từ mức 38 USD/ounce trong dự báo trước đó. Đối với bạch kim, Citi dự báo mục tiêu giá 3 tháng tới là 1.025 USD/ounce và mục tiêu giá 6 đến 12 tháng là 1.100 USD/ounce.

Hơn nữa, giá bạc, mặt hàng nhạy cảm với yếu tố vĩ mô hơn so với bạch kim, tiếp tục được hỗ trợ khi thị trường phản ứng tích cực với động thái hạ lãi suất mới đây của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới. Cụ thể, vào sáng 21/10, các ngân hàng Trung Quốc đã cắt giảm 25 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay cơ bản (LPR) ở cả hai kỳ hạn là một năm và năm năm, hiện lần lượt neo ở mức 3,1% và 3,6%.

Đối với kim loại cơ bản, giá nhôm LME tiếp tục mở rộng mức tăng 1,46% lên 2.633,5 USD/tấn, mức cao nhất hơn hai tuần. Trong thời gian gần đây, giá nhôm đón nhận lực mua mạnh mẽ do nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ lo ngại nguồn cung nguyên liệu thô thắt chặt.

Theo các nguồn tin trong ngành, nguồn cung alumina, nguyên liệu thô để sản xuất nhôm sơ cấp, đang thu hẹp đáng kể do thiếu hụt quặng bauxite, nhất là tình trạng gián đoạn nguồn cung ở Australia và Guinea. Điều này đã thúc đẩy giá các nguyên liệu thô liên tục tăng mạnh đồng thời kéo theo kỳ vọng giá nhôm cũng tăng mạnh trong thời gian tới.

Giá bạc leo đỉnh 12 năm, giá cà phê tiếp tục suy yếu- Ảnh 3.

Giá cà phê tiếp tục giảm, neo ở mức thấp nhất trong hai tháng

Theo MXV, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục suy yếu khi kết thúc phiên giao dịch hôm qua với mức giảm lần lượt 0,74% với Arabica và 1,73% với Robusta. Giá cà phê chịu áp lực từ nguồn cung vụ mới từ Việt Nam và thời tiết thuận lợi hơn tại Brazil.

Tại thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (23/10), giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ dao động trong khoảng 110.700 - 111.300 đồng/kg, giảm 400-500 đồng/kg so với ngày hôm qua. Với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê hiện cao gần gấp đôi từ mức 59.100 - 59.900 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá cà phê đã tăng hơn 43.000 đồng/kg so với mức 67.500 - 68.400 đồng/kg.

Một diễn biến đáng chú ý khác trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá ca cao dẫn đầu đà giảm trong phiên hôm qua với mức sụt 3,44% so với tham chiếu. Nguyên nhân đến từ những tín hiệu tích cực về mùa vụ và nguồn cung tại Bờ Biển Ngà - quốc gia sản xuất và xuất khẩu ca cao lớn nhất thế giới.

>>Chỉ số MXV-Index phục hồi, chấm dứt chuỗi giảm 5 phiên

Chỉ số MXV-Index phục hồi, chấm dứt chuỗi giảm 5 phiên

Giá cà phê hôm nay 22/10: 3 nguyên nhân cà phê biến động mạnh đầu tuần

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/gia-bac-leo-dinh-12-nam-gia-ca-phe-tiep-tuc-suy-yeu-102241023084012891.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giá bạc leo đỉnh 12 năm, giá cà phê tiếp tục suy yếu
    POWERED BY ONECMS & INTECH