Những ngày giữa tháng 6, cà phê nội địa tiếp tục xu hướng tăng giá trong khi giá cà phê thế giới liên tục giảm mạnh do nguồn cung dồi dào nhưng tiêu thụ thấp.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, những ngày giữa tháng 6, giá cà phê thế giới giảm do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu thụ thấp. Ngay sau kỳ nghỉ tôn giáo, người trồng cà phê Brazil quay trở lại thị trường và gia tăng bán cà phê vụ mới.
Trong khi đó, hầu hết thị trường lo ngại lạm phát vượt mức trên thế giới có thể khiến lãi suất cơ bản tiền tệ tăng mạnh hơn, có thể dẫn đến suy thoái toàn cầu, trong khi dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế triệt để và căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Bên cạnh đó, thị trường tài chính toàn cầu biến động sau việc điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản tiền tệ của nhiều nền kinh tế lớn, khiến giới đầu cơ bán tháo hàng hóa.
Trên sàn giao dịch London, ngày 18/6, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 7, tháng 9 giảm lần lượt 2,1%, 2 so với ngày 8/6, xuống mức 2.065 USD/tấn, 2.079 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 18/6 giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 7, tháng 9 giảm lần lượt 1,9%, 2,1% so với ngày 8/6, xuống mức 227,65 US cent/pound, 227,4 US cent/pound.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo trong ngắn hạn, giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng giảm. Lo ngại rủi ro tăng cao đã đẩy đồng USD lên mức cao mới, khiến các tiền tệ mới nổi mất giá, dẫn tới việc bán tháo hàng hóa trên diện rộng. Bên cạnh đó còn là sự thanh lý, điều chỉnh vị thế đầu cơ trước ngày hết hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 7 đã cận kề trên cả hai sàn.
Trong khi đó, giá cà phê nội địa diễn biến ngược chiều so với thế giới. Những ngày giữa tháng 6, giá cà phê robusta nội địa tiếp tục tăng, trái ngược với xu hướng giảm giá mặt hàng này trên thị trường thế giới.
Ngày 22/6, giá cà phê robusta tại thị trường nội địa tăng 900 - 1.000 đồng/kg (tùy khu vực) so với ngày 8/6 lên 42.900 - 43.400 đồng/kg.
Tình hình tiêu thụ cà phê trong tháng 5 của Việt Nam khá tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay ước đạt 889 nghìn tấn, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tăng tới 54% (hơn 700 triệu USD) lên mức kỷ lục 2 tỷ USD nhờ giá cà phê tăng cao. Qua đó tiếp tục củng cố vị trí thứ 2 về xuất khẩu cà phê toàn cầu sau Brazil.
Hiện cà phê của Việt Nam có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, Anh và các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Với triển vọng tích cực từ thị trường, các chuyên gia nhận định ngành cà phê đang đứng trước cơ hội lớn để vượt qua kỷ lục xuất khẩu 3,7 tỷ USD của năm 2012.
Giá cà phê hôm nay 22/11: Arabica tiếp tục tăng, nguyên nhân vì sao?
Giá cà phê hôm nay 21/11: 2 sàn tăng mạnh, Robusta thêm gần 150 USD/tấn