Sau 2 năm thắng lớn nhờ giá cước vận tải, 2 năm tới đây, nhóm doanh nghiệp vận tải biển được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trở lại.
Tại Tọa đàm Dự báo Kinh tế - Vượt “cơn gió ngược” 2023 vừa kết thúc, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, trong thời gian cao điểm của đại dịch COVID-19, giá cước tàu đã tăng lên ngưỡng cao chưa từng có nhưng hiện đã giảm 80% so với đỉnh tháng 9/2021 và đang tiếp tục giảm xuống.
Tuy nhiên mức ghi nhận hiện tại vẫn cao hơn 49% so với trung bình của năm 2019.
Chỉ số cước vận chuyển container thế giới trong năm 2022 (Nguồn: Drewry) |
Ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng Giám đốc CTCP Gemadept (Mã GMD) lý giải, giá cước vận tải biển hiện xuống dốc không phanh do hai năm qua, lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải biển tăng cao nên họ đẩy mạnh việc đóng thêm tàu.
Trong khi đó, hoạt động vận tải biển đã thông suốt. Ngoài ra, sau đại dịch, hành vi tiêu dùng của người dân thay đổi, họ không mua sắm nhiều nữa mà tập trung những thứ cần thiết. Do đó, cung toàn cầu giảm sút, cộng với lạm phát nên năm 2023 sẽ rất khó khăn.
“Các công ty xuất nhập khẩu yên tâm, giá cước sẽ chắc chắn giảm. Sắp tới giai đoạn 2023 - 2025 sẽ tiếp tục xoáy vào khủng hoảng vận tải biển ”, ông Long khẳng định.
Ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng Giám đốc CTCP Gemadept |
Giá cước giảm là tin vui cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhưng lại là khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải.
Theo ông Khoa, ngành dịch vụ logistics đã gặp nhiều khó khăn trong quý 3 và 4/2022. Tuy nhiên năm 2023 vẫn có nhiều yếu tố tích cực đối với ngành logistics khi tăng trưởng GDP được dự báo khoảng 6%.
Ngoài ra, nếu xuất nhập khẩu tăng cao sẽ tạo thúc đẩy hoạt động logistics. Hay như các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới sẽ tạo đà cho xuất nhập khẩu phát triển, tạo tiền đề cho hoạt động vận tải biển và các dịch vụ liên quan.
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect (Mã VND) cũng đánh giá 2023 sẽ là năm nhiều thách thức đối với ngành vận tải biển và cảng biển trong bối cảnh suy thoái kinh tế gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại cũng.
Tuy nhiên, vẫn có một vài yếu tố hỗ trợ tích cực trong đó có việc Trung Quốc đang mở cửa trở lại qua đó thúc đẩy hoạt động thương mại và tiêu dùng toàn cầu hay giá dầu Brent sẽ duy trì ở mức trung bình 90 USD/thùng giúp giảm chi phí nhiên liệu cho các doanh nghiệp vận tải biển.
VNDirect dự phóng lợi nhuận các doanh nghiệp vận tải sẽ giảm trở lại trong giai đoạn 2023 - 2024 do cung vượt cầu.
Theo Alphaliner, số lượng đơn đóng tàu mới mới tiếp tục tăng, nâng sản lượng đặt hàng hiện tại đạt 27,9% tổng công suất thị trường – mức cao nhất kể từ năm 2012. Tình trạng dư cung sẽ gây áp lực lên giá cước vận tải biển trong thời gian tới.
Kết quả kinh doanh của hãng tàu có độ trễ nhất định với biến động của giá cước vận tải biển nên tác động của việc giảm giá cước vận tải biển sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến kết quả hoạt động của các hãng vận tải biển Việt Nam trong 2 năm tới.
Bù lại, ngành cảng biển Việt Nam sẽ tích cực hơn nhờ dòng vốn FDI trở lại mạnh mẽ và một số hiệp định thương mại có hiệu lực. VND kỳ vọng sản lượng container của Việt Nam sẽ tăng trưởng kép 8,6% giai đoạn 2022 - 2030 trong đó các cụm cảng Hải Phòng với tình trạng thừa cung giảm và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đang được nâng cấp & có nhiều cơ chế ưu đãi có tiềm năng nhất trong số các cụm cảng.
Trong giai đoạn 2023 - 2024, một số dự án mở rộng sẽ được triển khai và đi vào hoạt động như Nam Đình Vũ giai đoạn 2, Gemalink giai đoạn 2 của GMD (6.070 tỷ đồng) và cảng nước sâu của PHP (6.946 tỷ đồng) sẽ mang lại tiềm năng tăng trưởng vượt bậc cho doanh nghệp sở hữu.