Gia đình có tới 14 liệt sĩ, 3 mẹ Việt Nam anh hùng ở thôn có nhiều liệt sĩ nhất cả nước
Gia đình này có 14 người con, cháu hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, gồm 3 con đẻ, 2 con rể và 9 cháu nội, ngoại.
Làng Cẩm Sa (xã Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) từ lâu đã được biết đến là một ngôi làng anh hùng, nơi đã sản sinh ra 5 vị tướng, 3 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 112 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 500 liệt sĩ... Trong suốt thời kỳ chiến tranh, nơi này được xem là làng có số liệt sĩ nhiều nhất Việt Nam.
Trong đó, một gia đình tiêu biểu cho tinh thần yêu nước và sự hy sinh vì Tổ quốc, đó chính là gia đình ông bà Nguyễn Văn Lắm và Phạm Thị Chúc (hay còn gọi là bà Nở), sống tại thôn 1 (Cẩm Sa).
Gia đình ông bà có tới 14 người con, cháu tham gia và hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bao gồm: 3 người con đẻ, 2 con rể và 9 cháu nội, ngoại. Ngoài ra, gia đình còn có 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng qua hai thế hệ: Mẹ Phạm Thị Chúc, con dâu Lê Thị Ngữ và con gái Nguyễn Thị Học.
Sinh thời, ông bà Lắm có 9 người con. Ngoại trừ một người mất khi còn nhỏ, tất cả đều tham gia kháng chiến. Bản thân ông bà đã vượt qua bao khó khăn, chắt chiu từng lát sắn, củ khoai để nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Khi ông Lắm mất sớm, bà Chúc một mình phải chịu đựng nỗi đau tột cùng khi chứng kiến con cháu lần lượt hy sinh.
Con trai cả của ông bà - ông Nguyễn Văn Chúc, có 4 người con, trong đó Nguyễn Văn Xuyên là bộ đội và đã hy sinh. Con rể là Lý Xuyên, cũng trở thành liệt sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Người con trai kế là Nguyễn Văn Nghiên (có một người con trai là Trung tướng Nguyễn Văn Thảng) tham gia cách mạng thời chống Pháp, nhiều lần bị địch bắt giam ở Điện Bàn, Hội An. Ra tù, ông Nghiên tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Người con trai đầu của ông Nghiên là Nguyễn Văn Tuấn đầu quân ở Tiểu đoàn Bà Thao, hy sinh năm 1968.
Ba năm sau, người con rể Nguyễn Thanh Trịnh, Bí thư Đảng ủy xã Điện Nam, ngã xuống (năm 1971). Huyện ủy tiếp tục cử Nguyễn Văn Thảng Em thay anh rể lãnh đạo xã trụ bám trong vùng địch hậu. Trong trận đánh ác liệt ở bến đò Lợi, Bí thư Thảng Em chỉ huy 6 dân quân Điện Nam đánh lui một tiểu đoàn của địch, bắn cháy 2 xe bọc thép và 1 chiếc trực thăng. Hết đạn, anh cùng đồng đội tử thủ bị chúng cắt đầu bêu ở cầu Vĩnh Điện, xác vứt xuống giếng ở Thanh Quýt để thị uy người dân. Người mẹ âm thầm đi tìm xác con về chôn cất.
Người con trai thứ 3 là Nguyễn Văn Diết Anh có hai người con là Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Văn Thao, người đi bộ đội huyện, người làm xã đội phó xã Điện Nam sau đó đều lần lượt hy sinh.
Nối tiếp truyền thống gia đình, Nguyễn Văn Diết Em lên đường đánh giặc. Bị bắt giam ở Điện Bàn, ông vượt ngục vào Phan Thiết hoạt động, nhưng vẫn bị địch bắt, chúng đóng 10 cây đinh vào gót chân, rồi thủ tiêu. Mẹ ông ở quê biết tin, đau đớn tột cùng nhưng không thể nào tìm được hài cốt của con.
Không chỉ các con trai, con gái của ông bà cũng tích cực tham gia kháng chiến. Người con gái Nguyễn Thị Học cùng chồng là Võ Văn Miên và con trai là Võ Văn Phu đều đã hy sinh vì Tổ quốc. Bà Nguyễn Thị Cầm, em bà Học, phải chịu nỗi đau mất con khi con gái Lê Thị Toàn hy sinh khi đi du kích. Em bà Cầm là bà Nguyễn Thị Thể, cán bộ Vùng đội cùng chồng là Lê Kha cũng vĩnh viễn ngã xuống trên mảnh đất quê hương.
Sau khi hòa bình lập lại, dòng máu anh hùng vẫn tiếp tục chảy trong huyết quản của các thế hệ. Nhiều con cháu của gia đình đã trở thành sĩ quan quân đội và công an, tiếp nối truyền thống vẻ vang và tự hào của gia đình, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.