Giá mít rẻ hơn rau, nông dân Việt bế tắc trước động thái của quốc gia láng giềng
Tháng 5/2025, giá mít Thái tại nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ giảm sâu, chỉ còn 2.000–3.000 đồng/kg, khiến hàng loạt nhà vườn rơi vào cảnh thua lỗ nặng.
Tại Tiền Giang, một trong những địa phương có diện tích trồng mít Thái lớn nhất cả nước, giá mít loại 1 hiện chỉ còn khoảng 10.000 đồng/kg, loại 2 và 3 dao động từ 4.000–6.000 đồng/kg, trong khi hàng chợ chỉ còn 2.000–3.000 đồng/kg. So với mức giá 20.000–25.000 đồng/kg cùng kỳ năm ngoái, mức giảm này khiến nhiều nông dân không thể bù đắp chi phí đầu tư.
Anh Phạm Văn Tâm, một nông dân trồng mít ở Cai Lậy (Tiền Giang), chia sẻ: "Tháng trước, tôi bán mít loại 1 với giá 22.000 đồng/kg, có lãi khá. Nhưng hiện tại, giá chỉ còn 4.000–6.000 đồng/kg, không đủ tiền phân thuốc".
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các tỉnh khác như Hậu Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, nơi mít Thái đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng thị trường tiêu thụ chậm, khiến giá giảm mạnh.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), trong quý I/2025, xuất khẩu mít chỉ đạt 67 triệu USD, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu do Trung Quốc, thị trường tiêu thụ chính của mít Việt Nam, tăng cường kiểm soát chất lượng và yêu cầu cao hơn về truy xuất nguồn gốc.
![]() |
Giá mít tại vườn đang rớt thảm. Ảnh minh họa |
>> Cây từng mọc dại ven sông nay mang lại hơn 1 tỷ đồng mỗi năm cho chàng trai 8X miền Tây
Việc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc khiến ngành mít Việt Nam dễ bị tổn thương khi nước này thay đổi chính sách nhập khẩu. Khi Trung Quốc siết chặt kiểm tra dư lượng hóa chất hoặc tạm ngừng cửa khẩu, giá mít tại vườn lập tức lao dốc, không đủ chi phí chăm sóc.
Khác với các nước như Thái Lan hay Malaysia, nơi cây mít được quy hoạch thành vùng chuyên canh, kiểm soát theo lô, sản xuất mít tại Việt Nam vẫn mang tính tự phát. Nông dân tự nhân giống, không qua kiểm định; việc chăm sóc chưa tuân thủ quy trình chuẩn, dẫn đến phẩm chất quả không đồng đều, gây khó khăn cho đóng gói và xuất khẩu.
Ngoài ra, thời gian thu hoạch không đồng đều, quả bị kích thích chín bằng hóa chất hoặc để chín quá lứa, làm ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt. Trung Quốc hiện siết chặt kiểm tra các hoạt chất như ethephon, paclobutrazol trong trái cây nhập khẩu, khiến không ít lô mít Việt bị tạm giữ hoặc trả về.
![]() |
Phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến ngành mít Việt dễ bị tổn thương. Ảnh minh họa |
>> Giá gạo Việt hồi phục, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bất ngờ tăng nhập khẩu
Để tránh tình trạng "được mùa mất giá" tái diễn, ngành mít Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững, từ quy hoạch vùng trồng, áp dụng quy trình sản xuất chuẩn, đến việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Một số doanh nghiệp đã đầu tư vào chế biến sâu, như tách múi, cấp đông và xuất khẩu mít chế biến sang Mỹ, Canada, với giá bán cao gấp 3 lần mít tươi. Tuy nhiên, quy mô vẫn còn nhỏ và nguồn nguyên liệu chưa đủ ổn định.
Tiềm năng xuất khẩu mít sang các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông là có thật, khi người tiêu dùng đang quan tâm đến trái cây nhiệt đới giàu chất xơ, có vị ngọt tự nhiên. Nhưng để tiếp cận được, mít Việt phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn: truy xuất nguồn gốc, không dư lượng hóa chất, kích thước đồng đều, bao bì đạt chuẩn và bảo quản lạnh suốt hành trình.