Giá thép lao dốc - Áp lực tăng trích lập dự phòng hàng tồn kho có thể bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp thép năm 2022

21-01-2022 15:07|Ba Lỗ

Nếu giá thép không tăng mạnh trở lại, với chiến lược tích trữ tồn kho trong năm 2021, các doanh nghiệp thép có thể sẽ phải chịu áp lực tăng trích lập dự phòng giảm giá tồn kho trong thời gian sắp tới.

Hai năm COVID đã qua (2020 - 2021) có thể được xem là khoảng thời gian hạnh phúc của cổ đông một loạt doanh nghiệp ngành thép như Hòa Phát, Nam Kim, Hoa Sen, Tiến Lên,...

2 năm ngọt ngào

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, giá cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành là HPG đã tăng 271% (nếu tính từ đầu năm 2021 đến nay, mức tăng là 75%). Cổ phiếu NKG và HSG cũng cho thấy mức tăng giá ấn tượng khi thị giá NKG tăng hơn 694% so với đáy quý I/2020 và tăng 264% so với đầu năm 2021; HSG cũng ghi nhận mức tăng 538% so với đáy cuối quý I/2020 và tăng hơn 110% so với đầu năm 2021.

Đà tăng của cổ phiếu ngành thép được thúc đẩy bởi kết quả kinh doanh đột biến. Chẳng hạn, tại Hòa Phát, lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức tăng trưởng 78,22% trong năm 2020 và 206% trong 9 tháng đầu năm 2021. Với Nam Kim, lợi nhuận sau thuế năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021 lần lượt đạt mức tăng trưởng 523% và 1.153%.

Với Hoa Sen, trong kỳ kế toán 6 tháng kết thúc vào ngày 31/3/2021, lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng 336% so với cùng kỳ.

Yếu tố chủ yếu giúp kết quả kinh doanh các doanh nghiệp ngành thép tăng trưởng đột biến là giá thép. Giá thép trên thị trường thế giới liên tục tăng mạnh do nhu cầu phục hồi và nguồn cung bị gián đoạn ở cả thép thành phẩm và nguyên liệu thô qua đó giúp doanh thu tăng trưởng mạnh và biên lợi nhuận gộp được cải thiện.

Cụ thể, từ tháng 10/2020, giá thép liên tục tăng từ vùng hơn 3.600 Nhân dân tệ/tấn, đạt đỉnh gần 6.000 Nhân dân tệ/tấn vào tháng 10/2021.

Tuy nhiên, sau giai đoạn liên tục tăng, giá thép lao dốc từ vùng đỉnh gần 6.000 Nhân dân tệ/tấn về chỉ còn gần 4.300 Nhân dân tệ/tấn vào cuối tháng 11/2021 - tương đương mức giảm hơn 28,3% trong vòng 1 tháng. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực đến thị giá của các cổ phiếu thép trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây.

Theo UBS Report, giá thép sụt giảm xuất phát từ sự suy giảm nhu cầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô và cung - cầu thép bắt đầu quay lại trở lại vùng cân bằng. 

Ông Mark Fields, Giám đốc bán hàng Western States Metal Roofing dự báo, giá thép sẽ có xu hướng chững lại trong năm 2022 khi lượng hàng tồn kho có sẵn đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Diễn biến đáng chú ý trên thị trường toàn cầu là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp gần nhất đã quyết định nâng mức giảm mua tài sản lên 30 tỷ USD mỗi tháng vào tháng 12/2021, sau đó sẽ đẩy nhanh mức giảm hơn nữa vào năm 2022. Sau khi kết thúc chương trình mua tài sản vào cuối mùa Đông hoặc đầu mùa Xuân, Fed dự kiến ​​sẽ bắt đầu tăng lãi suất.

Các dự báo được công bố cho thấy, các quan chức Fed dự kiến ​​sẽ có ba lần tăng lãi suất vào năm 2022, hai lần vào năm 2023 và hai lần nữa vào năm 2024. Lãi suất tăng đồng nghĩa với việc giá cả hàng hóa sẽ giảm liên quan đến chi phí lưu kho của doanh nghiệp.

Yếu tố tích cực với ngành thép là Chính phủ đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm kích thích nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. 

Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới liên tục tung ra gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế sau khi bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19, nhiều chính sách tài khóa của các quốc gia hướng đến thúc đẩy cơ sở hạ tầng khiến giới đầu tư đặt niềm tin về siêu chu kỳ hàng hóa. Giá thép cũng được kỳ vọng hưởng lợi từ siêu chu kỳ này và các doanh nghiệp thép sẽ tiếp tục hưởng lợi trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc giá cổ phiếu tăng “nóng” trong thời gian qua và những chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Mặt bằng P/E của các cổ phiếu ngành thép được cho là không còn nhiều hấp dẫn đối với nhà đầu tư trung và dài hạn.

Doanh nghiệp bắt đầu trích lập dự phòng giảm giá tồn kho

Mới đây, hai công ty thép đầu tiên đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với kết quả kinh doanh kém tích cực.

Tại CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC), trong quý IV/2021, công ty ghi nhận doanh thu tăng 37,3% so với cùng kỳ lên 6.149,3 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 78,7% về còn 34,07 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp giảm từ 7,6% về chỉ còn 2,1%.

Luỹ kế trong năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu tăng 35,4% lên 21.312,2 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 184,9% lên 903.06 tỷ đồng.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, khi  giá thép tăng cao - SMC cũng đã ghi nhận biên lợi nhuận gộp lên tới 10,2% và cao hơn rất nhiều so với thời điểm quý IV/2021.

Tương tự, tại CTCP Gang thép Thái Nguyên (UpCOM: TIS), trong quý IV/2021, TIS ghi nhận doanh thu tăng 34,1% so với cùng kỳ lên 3.235,3 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 9,63 tỷ đồng so với mức lỗ 6,74 tỷ đồng cùng kỳ. Đáng lưu ý biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 6,1% về âm 0,4% và dẫn tới doanh nghiệp kinh doanh dưới giá vốn trong quý IV/2021. Công ty chỉ thoát lỗ nhờ vào hoàn nhập chi phí tài chính gần 87 tỷ đồng.

Luỹ kế năm 2021, TIS ghi nhận doanh thu tăng 26,1% lên 12.069,6 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 1.230,5% lên 122,67 tỷ đồng.

Trước đó, khi giá thép tăng cao, trong 6 tháng đầu năm 2021, biên lợi nhuận gộp của TIS đã tăng lên tới 9,4%.

Điểm chung của hai doanh nghiệp thép đầu tiên công bố báo cáo tài chính là đều thực hiện chiến lược tăng tồn kho trong năm 2021. Tuy nhiên trong quý IV/2021, các doanh nghiệp này đã bắt đầu hoạt động trích lập dự phòng giảm giá tồn kho.

Cụ thể, trong năm 2021, SMC đã trích lập dự phòng giảm giá tồn kho là 112,93 tỷ đồng so với đầu năm chỉ 1,1 tỷ đồng trong đó công ty thuyết minh trích lập 47,16 tỷ đồng cho nguyên vật liệu; 42,8 tỷ đồng cho thành phẩm tồn kho và trích lập 23 tỷ đồng cho hàng hoá.

Tại TIS, công ty mới trích lập 7,68 tỷ đồng tồn kho so với đầu năm không ghi nhận trong đó doanh nghiệp không thuyết minh chi tiết việc trích lập dự phòng cho khoản mục nào. Tuy nhiên, nhiều khả năng do nguyên liệu và thành phẩm liên quan tới chiến lược tích trữ tồn kho đầu năm.

Được biết, giá thép thế giới đã đảo chiều từ tháng 5/2021 tới nay. Cụ thể, từ 7/5/2021 đến 21/1/2022, giá thép thế giới giảm 20,6% từ 5.740 CNY/tấn về 4.560 CNY/tấn. Nếu giá thép tiếp tục duy trì ở mức hiện tại và giảm giá, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực thép đã thực hiện chiến lược tăng tích trữ tồn kho trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại.

Trước đó, các công ty thép đều thực hiện chiến lược tăng tích trữ tồn kho trong 9 tháng đầu năm 2021.

Tính đến hết quý III/2021, Nam Kim dẫn đầu tốc độ tăng trưởng hàng tồn kho - đạt 217% so với hồi đầu năm. Tiếp theo là Hoa Sen với hơn 127% so với đầu kỳ, Hòa Phát là hơn 75%. Vì vậy, nếu trong thời gian tới giá thép thế giới tiếp tục điều chỉnh hoặc duy trì mặt bằng quanh vùng giá 4.200 - 4.300 Nhân dân tệ/tấn, Nam Kim và Hoa Sen sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn so với Hòa Phát.

Xét về giá trị, HSG tăng thêm 6.832,4 tỷ đồng tồn kho, NKG tăng 4.767,2 tỷ đồng tồn kho, SMC tăng 1.665,3 tỷ đồng tồn kho, POM tăng 1.402,9 tỷ đồng tồn kho,…

Nhìn chung, tích trữ tồn kho trong xu hướng biến động của giá nguyên liệu, hàng hoá là con dao hai lưỡi. Nếu như giá nguyên liệu, hàng hoá tăng cao, doanh nghiệp sẽ cải thiện biên lợi nhuận và tăng lợi nhuận cho công ty. Tuy nhiên, nếu như chu kỳ tăng giá qua đi, giá nguyên liệu, hàng hoá đảo chiều, các doanh nghiệp phải tăng trích lập giảm giá tồn kho và giảm biên lợi nhuận của công ty.

Đặc biệt, trong lịch sử giai đoạn 2016 - 2017, nhờ vào giá thép tăng cao nên các doanh nghiệp thép đã được hưởng lợi và tăng mạnh lợi nhuận. Tuy nhiên, sau đó giá thép lao dốc từ 2018 - 2019, hàng loạt doanh nghiệp thép đã công bố kết quả kinh doanh lao dốc mạnh và các doanh nghiệp thép phải bước vào giai đoạn tái cơ cấu cấu kéo dài.

Nhìn chung, nếu như giá thép không đảo chiều tăng mạnh trở lại, với chiến lược tích trữ tồn kho trong năm 2021, các doanh nghiệp thép đang phải chịu áp lực tăng trích lập dự phòng giảm giá tồn kho trong thời gian sắp tới.

Công trình triển lãm Top 10 thế giới của Vingroup đã tiêu thụ 10.000 tấn thép Hòa Phát

Cú ‘bắt tay’ lịch sử: Vingroup và Hòa Phát cùng nhau làm trung tâm triển lãm lớn nhất Đông Nam Á

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gia-thep-lao-doc-ap-luc-tang-trich-lap-du-phong-hang-ton-kho-co-the-bao-mon-loi-nhuan-doanh-nghiep-thep-nam-2022-121773.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giá thép lao dốc - Áp lực tăng trích lập dự phòng hàng tồn kho có thể bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp thép năm 2022
    POWERED BY ONECMS & INTECH