Giá vàng tăng vượt 80 triệu đồng/lượng: Như đấu giá, chuyên gia dự báo bất ngờ
Ngỡ ngàng với tốc độ tăng của giá vàng trong nước, nhất là vàng SJC, chuyên gia đánh giá đây là "mức giá kỳ cục, gần như đấu giá".
Giá vàng trong nước hôm qua liên tục được các công ty vàng bạc đá quý điều chỉnh lập đỉnh mới, có thời điểm vượt mốc 80 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, lúc hơn 11 giờ trưa 26/12 tại thị trường Hà Nội, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,2-80,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,2-80,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,9 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,7 triệu đồng/lượng ở bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tăng phi mã vào buổi sáng nhưng đầu giờ chiều cùng ngày, giá vàng trong nước được điều chỉnh giảm sâu. Vàng SJC giảm còn 77-78,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng tăng dựng đứng, liên tiếp lập đỉnh khiến nhiều người băn khoăn liệu còn tăng tiếp hay sẽ giảm trong những ngày tới?
Bất ngờ với tốc độ tăng giá vàng trong nước
Chia sẻ với PV, VietNamNet, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, giá vàng trong nước tăng quá cao, nhất là giá vàng SJC - vùng giá cao nhất mọi thời đại ở Việt Nam.
Dù vậy, vị chuyên gia cho rằng, đây là thực tế khi vàng SJC không được nhà nước cho nhập thêm, thị trường chỉ có mua đi bán lại vàng SJC cũ. Cầu tăng, cung không có thì đương nhiên giá tăng cao.
“Giá vàng Việt Nam tăng cao hơn giá thế giới bởi đầu tư trong thời gian này tương đối khó do bất động sản bất động, lãi suất ngân hàng quá thấp, đầu tư vào chứng khoán cũng phập phù, kinh tế chưa thực sự lạc quan,... Vì thế, nhiều người mua vàng tích trữ để giữ tài sản khi Tết sắp tới.
Không ít người sợ giá vàng tăng nữa nên càng đi mua vàng. Đáng lẽ, số tiền này trong xã hội phải được đầu tư vào các lĩnh vực khác thì lại nằm 'chết' trong vàng”, ông Thịnh nói.
Chia sẻ với PV, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, bày tỏ rất bất ngờ với tốc độ tăng của giá vàng trong nước, nhất là vàng SJC mấy ngày qua.
Ông Khánh phân tích, giá vàng quốc tế so với trước dịp lễ Giáng sinh tăng không nhiều, chỉ vài trăm nghìn nhưng giá vàng SJC trong nước tăng tới 2 triệu đồng/lượng.
“Đây là mức giá bất thường, tăng này do tâm lý. Cầu không lớn lắm, nhưng vẫn có người muốn mua, song lại ít/không có người bán nên mới có mức giá kỳ cục gần như đấu giá. Thời điểm không mấy ai bán, người ta cứ găm giữ vàng.
Giá vàng tăng bất thường vì cung - cầu mất tương xứng đã lâu, vàng SJC nguồn cung không có, càng ngày càng khan hiếm”, ông Khánh nhận xét.
Dù cho rằng Ngân hàng Nhà nước không cần phải can thiệp, nhưng vị Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nêu quan điểm, trong xã hội, một mặt hàng nào mà giá cả chênh lệch nhiều quá cũng không tốt. Do vậy, cũng cần có giải pháp để bình thường hóa giá cả.
“Giá vàng trong nước cao quá so với giá thế giới, Nhà nước không cho nhập chính thức nguy cơ sẽ xảy ra nhập lậu vàng”, ông Khánh lo ngại.
Giá vàng thời gian tới ra sao?
Nhận định giá vàng thời gian tới, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho hay: Giá vàng trong nước đi theo giá vàng thế giới. Hết thời gian nghỉ lễ của các nước phương Tây, tức chỉ khoảng ngày 10-15/1/2024, sẽ có một số nhà đầu tư bán vàng để bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh. Khi đó, giá vàng sẽ có chiều hướng đứng lại và giảm giá.
“Giá vàng thế giới sẽ lại quay về mốc 2.000 USD/ounce, khi đó giá vàng trong nước sẽ giảm”, ông Thịnh nhận định.
Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Khánh cũng cho rằng, giá vàng trong nước tăng quá nhiều so với thế giới nên dư địa tăng giá vàng trong nước không còn nhiều. “Giá vàng trong nước tăng cao quá, nhiều người chốt lời sẽ bán ra, khi đó giá vàng sẽ điều chỉnh giảm xuống. Còn giá vàng thế giới từ nay đến hết năm sẽ không biến động nhiều”, ông Khánh dự đoán.
Trong khi giá vàng tăng cao, lãi suất huy động tại các ngân hàng lại giảm thấp kỷ lục, có ngân hàng chỉ còn 1,9% ở kỳ hạn gửi 1 tháng. Vậy, có nên rút tiền gửi ngân hàng ra để mua vàng?
Trả lời câu hỏi này, ông Khánh lưu ý, dù lãi suất ngân hàng có giảm thấp nhưng vẫn chắc chắn hơn là mua vàng. Đầu tư vào vàng thì phải đầu tư ít nhất 3 tháng, còn nếu “lướt sóng” vàng thì sẽ lỗ bởi chênh lệch giữa chiều mua và bán quá nhiều.
“Nếu chưa có vàng trong danh mục đầu tư thì có thể cân nhắc, nhưng chỉ nên đầu tư ở mức 20-30% số tiền đang có, còn lại gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn. Nếu đầu tư hết vào vàng sẽ rất rủi ro”, ông Khánh khuyến cáo.
>> Giá vàng quay cuồng, tối muộn khách vẫn đưa vàng đến bán, DN sợ không dám nhập
Giá vàng quay cuồng, tối muộn khách vẫn đưa vàng đến bán, DN sợ không dám nhập
Giá vàng trong nước vượt 79 triệu đồng/lượng, cao nhất lịch sử