Giá vàng thế giới đã hạ nhiệt nhưng trong nước tiếp tục leo cao, liệu có thể vượt 80 triệu đồng/lượng?
Trong bối cảnh giá vàng thế giới đã đảo chiều và tụt giá thì thị trường vàng ở Việt Nam được dự báo sắp lập kỷ lục mới.
Vàng thế giới tụt giá bất ngờ
Theo ghi nhận, lúc 6h15’ sáng nay 21/12 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đứng quanh ngưỡng 2.031 USD/ounce, giảm 9 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch trước.
Thị trường vàng thế giới trầm lắng trong phiên giao dịch rạng sáng nay khi các nhà giao dịch chờ đợi một loạt dữ liệu kinh tế vào cuối tuần để có thêm manh mối mới về lộ trình chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Chiến lược gia thị trường cấp cao Daniel Pavilonis của RJO Futures dự báo, giá vàng sẽ ổn định trên mức 2.000 USD/ounce và chủ yếu giao dịch ở mức cao hơn khi xem xét rủi ro địa chính trị trên thị trường, bao gồm cả cuộc bầu cử tại Mỹ vào năm tới. Điều này có thể thúc đẩy các nhà quản lý tiền tệ tăng cường vàng trong danh mục đầu tư của họ.
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh nhất trong 4 thập kỷ qua của họ đã kết thúc và việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra vào năm 2024.
Tuy nhiên, Chủ tịch FED chi nhánh Atlanta Raphael Bostic lại đưa ra quan điểm trái ngược rằng, nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh và không có gì phải vội để đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất. Quan chức này cho rằng, các nhà hoạch định chính sách vẫn cần “vài tháng” để có đủ dữ liệu và tin tưởng là lạm phát sẽ tiếp tục đi xuống và dự kiến đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ bắt đầu vào quý III/2024.
Trong khi đó, theo công cụ FedWatch, các thị trường đang định giá khoảng 79% khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3 năm sau.
Giá vàng nội địa tăng chóng mặt, sắp đạt kỷ lục mới 76 triệu đồng/lượng
Trái ngược với giá vàng thế giới đang sụt giảm, giá vàng trong nước ở Việt Nam vẫn duy trì đà tăng hướng đến kỷ lục mới, áp sát mốc 76 triệu đồng/lượng.
Sáng nay 21/12, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 74,6 triệu đồng/lượng mua vào và 75,62 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP. HCM, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng thêm 700.000 đồng ở cả 2 chiều.
Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng 500.000 đồng ở chiều mua và 580.000 đồng ở chiều bán lên lần lượt 74,5 triệu đồng/lượng và 75,48 triệu đồng/lượng.
Tại sao giá vàng trong nước lại đi ngược giá vàng thế giới?
Có thể thấy, sức cầu thời điểm cuối năm cũng như xu hướng đẩy giá của các đơn vị kinh doanh vàngđã góp phần khiến giá vàng tăng lên. Chênh lệch giá vàng miếng SJC tại các tổ chức nới rộng lên 1 triệu đồng/lượng.
Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng thấp như hiện nay, xuống chỉ còn 3-5%/năm, thì nhu cầu tích trữ vàng thường quay trở lại. Nguồn cung vàng miếng SJC cũng rất khan hiếm, chỉ quanh quẩn trong dân và doanh nghiệp, không được sản xuất thêm vàng.
Trong thời gian tới, giá vàng miếng SJC trong nước được dự báo có thể tăng lên mức 80 triệu đồng/lượng, thậm chí 90 triệu đồng/lượng khi sự khan hiếm tăng lên cũng như giá thế giới vào giai đoạn bứt phá khi Mỹ hạ lãi suất kéo đồng USD đi xuống.
Theo nhận định của chuyên gia, kinh tế có tín hiệu tích cực và đồng USD tăng giá đã khiến giới đầu tư chốt lời vàng sau 2 phiên tăng trước đó. Quỹ ủy thác vàng lớn nhất thế giới SPDR phiên vừa qua 20/12 cũng bán ròng 2,02 tấn vàng.
Chuyên gia khuyến cáo, giá vàng đang chịu áp lực từ các thông tin kinh tế ở các quốc gia lớn. Tuần cuối của tháng 12 tiếp tục còn nhiều thông tin chuẩn bị được công bố, do đó nhà đầu tư nên thận trọng mua vào ở mức giá cao. Nếu các thông tin tích cực thì giá vàng thế giới vẫn có thể giảm xuống dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce.