Giá vé máy bay vút cao: cần thanh tra độc lập?
Trước bối cảnh Cục hàng không Việt Nam thanh tra giá vé máy bay tăng cao nhưng cho ra kết luận “giá vé đúng quy định”, một số ý kiến cho rằng, nên có thêm thanh tra độc lập? Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, điều này không thực sự cần thiết.
Giá vé tăng tới 28% vẫn “đúng theo quy định”
Từ đầu năm đến nay, giá vé máy bay chặng nội địa thường xuyên được bán ra ở mức cao. Thậm chí có thời điểm giá vé gấp 2 - 3 lần so với trước đây, ngang với giá vé máy bay quốc tế. Điều này một phần tác động xấu đến ngành du lịch trong nước, đặc biệt thể hiện qua đợt nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa qua.
Trước thực tế này, Cục Hàng không Việt Nam đã vào cuộc kiểm tra. Kết quả kiểm tra về giá vé máy bay tăng cao đối với 4 hãng hàng không (Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines) cho thấy, trong giai đoạn từ 1/1 - 30/4/2024, các mức giá vé hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa cơ bản có sự gia tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, với 3 đường bay trục Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, Hà Nội - Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, giá vé trung bình của các hãng có mức tăng lần lượt là, Vietnam Airlines (19,9%; 28,4% và 14,9%), Vietjet (17,9%; 39,9% và 27,0%), Bamboo Airways (2,1%; 24,4% và 22,5%), Vietravel Airlines (10,2%; 17,7% và 18,6%).
Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, các hãng hàng không đều tuân thủ về mức giá vé máy bay theo quy định tại Thông tư 17/TT-BGTVT và Thông tư 34/TT-BGTVT của Bộ GTVT trong việc bán vé máy bay trên các đường bay nội địa. Đồng thời các hãng hàng không cũng thực hiện đúng quy định về niêm yết, kê khai giá. Đối với các vé được bán trực tiếp tại phòng vé, các hãng đều thu thêm một khoản phí khoảng 50.000 đồng và khoản này không áp dụng khi khách mua trực tuyến trên trang web, ứng dụng điện thoại chính thức của hãng, hoặc các kênh bán vé máy bay trực tuyến chính thức khác (ngân hàng liên kết, đại lý điện tử như Traveloka, aBay, VnPay...).
Tuy nhiên, trong việc thể hiện thông tin về giá vé trên website, các hãng chưa thể hiện đồng nhất và có nội dung khoản thu dễ gây hiểu lầm về cách gọi, đặt tên, dẫn đến hành khách không nắm rõ chi tiết về các khoản phải trả trong tổng giá vé phải thanh toán.
Tính đến 10/5, cơ quan hàng không đã nhận được 11 thông tin phản ánh của hành khách (gửi thư điện tử) về việc mua vé giá cao. Kết quả kiểm tra đối với 11 trường hợp này đều cho thấy “không có tình trạng vé bán vượt khung giá theo quy định”.
Không bất ngờ trước kết quả này, nhiều ý kiến cho rằng, Cục hàng không Việt Nam là đơn vị quản lý các hãng bay, cũng là nơi kiểm tra giá vé máy bay thì khác gì “vừa đánh trống vừa thổi còi”. Vấn đề nhiều người dân đang thắc mắc và mong muốn có câu trả lời không hẳn về khung giá vé trần, mà so với các nước khác, ở Việt Nam có các khoản phụ phí bất hợp lý và không rõ ràng. Các ý kiến này cho rằng, cần thanh tra độc lập về giá vé máy bay thì mới có kết quả chính xác.
Có cần thanh tra độc lập?
Trước các ý kiến xoay quanh về kết quả kiểm tra giá vé máy bay tăng cao của Cục Hàng không Việt Nam, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Khương Kim Tạo cho rằng, không thực sự cần thiết phải thanh tra độc lập.
Theo ông Khương Kim Tạo, Cục Hàng không Việt Nam đã kết luận, giá vé máy bay hiện nay chưa vượt giá trần. Như vậy, đối với việc giá vé máy bay cao, đầu tiên phải liên quan đến giá trần. Vậy trước hết cần bàn xem, giá trần hiện nay đã hợp lý chưa, có phù hợp với thực tế hay không? “Nếu giá trần cảm thấy không đáp ứng được thực tiễn thì chúng ta cần phải thay đổi, có thể nâng trần lên hoặc hạ thấp trần xuống” - ông Khương Kim Tạo cho ý kiến.
Cũng theo ông, bên cạnh giá vé bay cũng có nhiều chi phí phát sinh. Các loại phí này có thể hợp lý hoặc không hợp lý, có thể hợp pháp hoặc không hợp pháp. Tất cả những cái chi phí này, theo ông Tạo, cần phải xem xét lại.
Về việc đề xuất một cơ quan thanh tra độc lập về giá vé máy bay, ông Tạo cho rằng không thực sự cần thiết. “Thanh tra độc lập bây giờ là ai? Không lẽ chúng ta lại cử bộ máy của chuyên ngành giao thông đi thanh tra độc lập? Hay chúng ta phải thuê một công ty bên ngoài? Nếu là một đơn vị bên ngoài thì có thể lại là nhân viên làm thuê cho đơn vị đó, trình độ của họ chắc gì đã cao bằng cán bộ trong Cục hàng không, làm sao chúng ta có thể tin tưởng được?”- ông Tạo phân tích.
Hơn nữa, vị chuyên gia này cũng cho rằng, tất cả các cuộc thanh kiểm tra sẽ đều gây khó khăn và nâng cao chi phí. Trong trường này, hiệu của của kiểm tra còn chưa thể chắc chắn. Vậy nên theo ông Tạo, chúng ta cần cân nhắc lại phương án giải quyết này trong bối cảnh giá vé máy bay cao như hiện nay.
Giá vé máy bay tăng cao, Thứ trưởng Bộ GTVT khuyên đi du lịch bằng tàu hoả