Giá xăng dầu hôm nay 11/3/2022 biến động trái chiều trên thị trường thế giới trong đó dầu Brent tiếp tục giảm 1,63% do lo ngại nguồn cung hạn chế.
Giá xăng dầu thế giới
Ghi nhận lúc 7h ngày 11/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 107,3 USD/thùng, tăng 1,29 USD, tương đương 1,22%. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 109,3 USD/thùng, giảm 1,63%.
Giá xăng dầu đã lao dốc khoảng 2% trong một phiên giao dịch đầy biến động ngày 10/3. Trước đó 1 ngày, giá dầu đã giảm tới 13% - mức giảm mạnh hằng ngày trong vòng hai năm qua. Tại phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu Brent đã tạo “sốc” khi đạt mức cao nhất trong vòng 14 năm là hơn 139 USD/thùng.
Giá dầu tiếp đà giảm sau khi Nga - nhà sản xuất năng lượng lớn cung cấp 1/3 lượng khí đốt và 7% lượng dầu toàn cầu của châu Âu - cam kết thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng và một số thương nhân cho biết lo ngại về gián đoạn nguồn cung đã bị làm quá lên.
Mặc dù Nga cam kết sẽ tiếp tục đáp ứng các nghĩa vụ theo hợp đồng về cung cấp năng lượng, nhưng dầu từ nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới này vẫn đang bị “ghẻ lạnh” vì chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga mở ở Ukraine. “Từ chối” dầu Nga nhưng nhiều người không chắc nguồn cung thay thế sẽ đến từ đâu.
Dù UAE và nước láng giềng Ả Rập Xê út - thành viên của OPEC - có năng lực dự phòng có thể tăng sản lượng nhưng rất nhiều thành viên khác của OPEC+ đang phải vật lộn để đáp ứng hạn ngạch của mình.
Mới đây, Mỹ đã có những động thái nhằm nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với dầu của Venezuela và nỗ lực ký kết thỏa thuận hạt nhân với Tehran, điều có thể khiến nguồn cung dầu tăng lên.
Thị trường cũng dự đoán các đợt giải phóng kho dự trữ tiếp theo do Cơ quan Năng lượng quốc tế điều phối và sản lượng của Mỹ ngày càng tăng sẽ “tiếp” dầu cho thị trường đang trong cơn “khát”.
Nhà phân tích thị trường dầu PVM Tamas Varga cho biết: “Với một số thiện chí, sự phối hợp và may mắn, cú sốc nguồn cung có thể được giảm thiểu rất nhiều nhưng có lẽ không được hóa giải”.
Giá xăng dầu trong nước
Giá xăng đang ở mức cao nhất từ trước tới nay khi mỗi lít xăng E5 RON 92 là 26.070 đồng (tăng 540 đồng); RON 95 là 26.830 đồng (tăng 550 đồng). Dầu hoả là 19.970 đồng một lít, tăng 470 đồng. Dầu diesel là 21.310 đồng một lít, tăng 510 đồng. Dầu madut là 18.460 đồng một kg, tăng 530 đồng.
Trong kỳ điều hành giá chiều nay 11/3 của liên Bộ Công thương-Tài chính, giá xăng dầu trong nước dự báo sẽ được điều chỉnh tăng theo đà tăng giá của xăng dầu thế giới 10 ngày qua.
Dự báo giá xăng trong nước có thể tăng lên hơn 30.000 đồng/lít. Nếu đúng như dự báo, đây sẽ là lần tăng thứ 7 liên tiếp của mặt hàng này.
Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, trong dự thảo, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Với việc điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, dự kiến số thu thuế BVMT đối với các mặt hàng trên (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước.
Giá xăng dầu hôm nay 22/11: lấy lại đà tăng
Cửa hàng xăng dầu ở Vũng Tàu bị tạm dừng 5 trụ bơm do có dấu hiệu gian lận