Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, các trái chủ của 25 mã trái phiếu liên quan nhóm Vạn Thịnh Phát phát hành đều là các bị hại.
Tin từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức có liên quan (giai đoạn 2).
Theo đó, từ năm 2018-2020, nhóm công ty liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gồm Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty Đầu tư Quang Thuận, CTCP Dịch vụ Thương mại TP. Hồ Chí Minh, CTCP Đầu tư và phát triển Sunny World và các tổ chức khác) đã tạo lập 25 gói trái phiếu các mã ADC-2018.09, ADC- 2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 với tổng giá trị 30.081 tỷ đồng để bán cho trái chủ, huy động tiền và chiếm đoạt.
Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định những trái chủ sở hữu 25 mã trái phiếu do 04 Công ty phát hành nêu trên tại thời điểm khởi tố vụ án hình sự là bị hại và đã ủy thác cho Phòng Cảnh sát kinh tế Công an các tỉnh/thành phố theo địa chỉ của trái chủ trên hợp đồng mua bán/chuyển nhượng trái phiếu tiếp nhận thông tin, lấy lời khai bị hại để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đến nay, thống kê từ kết quả nhận được từ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an các tỉnh/thành phố đã xác định rõ thông tin từng cá nhân và thu thập đầy đủ ý kiến của người bị hại. Tuy nhiên, còn nhiều người không hợp tác hoặc đã chuyển nơi cư trú, không đến trình báo.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Đã thu hồi 916 tỷ đồng từ nhóm khách hàng Tân Tạo
Để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án, đảm bảo quyền lợi của người bị hại theo quy định của pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị:
1. Người bị hại còn dư nợ trái phiếu của 25 gói trái phiếu nêu trên khẩn trương đến Phòng Cảnh sát kinh tế Công an các tỉnh/thành phố (nơi người bị hại cư trú hoặc nơi phát sinh hợp đồng mua bán trái phiếu) phối hợp làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan đến việc mua bán trái phiếu hoặc chuyển đơn đề nghị theo mẫu do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành để được xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.
Nếu người bị hại không đến làm việc, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu trước thời điểm kết thúc điều tra vụ án thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an không có căn cứ để xem xét, giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án.
2. Mọi thông tin chi tiết, đề nghị truy cập Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, website: https://bocongan.gov.vn.
>>Vụ Vạn Thịnh Phát: Trả 14 BĐS bị C03 ngăn chặn do giao dịch với Trương Mỹ Lan của ‘sếp’ One Truss
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã được xét xử sơ thẩm giai đoạn 1 tại TAND thành phố Hồ Chí Minh và tuyên án vào ngày 11/4 vừa qua. Bị cáo Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình, buộc bồi thường thiệt hại cho SCB hơn 677.000 tỷ đồng.
Nhiều giao dịch của các cá nhân, doanh nghiệp khác với bà Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng đã được dần hé lộ. Những tài sản không liên quan vụ án đã bị kê biên, được HĐXX trả lại; những tài sản còn có liên quan, để đảm bảo nghĩa vụ của Trương Mỹ Lan vẫn tiếp tục được ngăn chặn, kê biên theo quy định.
Hiện giai đoạn 2 đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thực hiện. Trước đó HĐXX cũng đã đề nghị ở giai đoạn 2 sẽ làm rõ trách nhiệm của một số bên liên quan, như xem xét trách nhiệm của các công ty kiểm toán báo cáo tài chính cho ngân hàng SCB.
Theo số liệu, khoảng chục năm trước khi vụ án bị khởi tố, 3 trong số 4 công ty kiểm toán lớn (Big4) tại Việt Nam đã kiểm toán cho SCB nhưng không phát hiện ra vấn đề.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: 3 chiếc Rolls-Royce Phantom Rồng và Ghost I bị kê biên đang ở đâu?
Vụ Vạn Thịnh Phát: Đã thu hồi 916 tỷ đồng từ nhóm khách hàng Tân Tạo
Vụ Vạn Thịnh Phát: Trả 14 BĐS bị C03 ngăn chặn do giao dịch với Trương Mỹ Lan của ‘sếp’ One Truss