Tính đến 15/5, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ ngành chỉ đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là con số thấp và cần nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo bộ ngành, địa phương về vấn đề này.
Thực trạng của các Bộ
Về thực trạng giải ngân vốn đầu tư công ở thời điểm hiện tại, ông Võ Hữu Hiển - Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (DMEF, Bộ Tài chính) cho biết tính đến hết ngày 15/5, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ, ngành chỉ đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao.
Dự kiến đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ giải ngân của các bộ ngành có thể đạt khoảng 15 - 17%, ở mức trung bình so với cùng kỳ các năm trong thời kỳ 2021-2023.
Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đánh giá tỷ lệ giải ngân của các bộ ngành 6 tháng đầu năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2023 (27,2%), 6 tháng đầu năm 2022 (15,9%) và cao hơn so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021 (12,11%). Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân này còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ ngành chỉ đạt 8,58% kế hoạch vốn. |
Mặc dù số lượng các dự án/tiểu dự án được giao kế hoạch vốn của 10 bộ ngành là 31 nhưng mới chỉ có 14/31 dự án/tiểu dự án đã giải ngân, 17 dự án/tiểu dự án đã được giao dự toán nhưng chưa giải ngân.
Năm 2024, các địa phương được giao tổng kế hoạch vốn là 24.172,86 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư công là 9.456,86 tỉ đồng (53/63 địa phương), vốn vay lại là 14.716 tỉ đồng (51/63 địa phương). Tính đến ngày 15/5 vừa qua, tỷ lệ kế hoạch vốn các địa phương đã phân bổ và nhập Tabmis cho các dự án đối với vốn đầu tư công ngân sách trung ương là 91,7% kế hoạch vốn được giao, vốn vay lại là 84,2% kế hoạch vốn được giao.
Lũy kế giải ngân vốn nước ngoài của các địa phương tính đến 15/5 là 5,7% kế hoạch vốn được giao (tính cho cả kế hoạch vốn cấp phát và vay lại), cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 4,9%. Mới có 5/53 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%, 28/53 địa phương chưa giải ngân vốn ngân sách Trung ương cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông và Vận tải) cũng chia sẻ, Bộ này hiện có lượng vốn ODA lớn nhất khi được giao 4.366 tỷ đồng vốn trong năm 2024. Khó khăn lớn nhất ảnh hưởng tới quá trình giải ngân liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng. Điển hình như dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc vướng do đi qua khu vực nhiều rừng, thủ tục chuyển đổi rừng mất tới 1,5 năm. Do đó chi phí giải phóng mặt bằng thường bị tăng lên con số không nhỏ.
Tương tự, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong 6 tháng đầu năm gần như không giải ngân được vốn ODA, do Bộ này "mắc" nhất trong việc thẩm định dự án, khó khăn trong việc tìm đơn vị thẩm định... Do đó, Bộ này dự kiến phấn đấu cả năm giải ngân được 350 tỷ đồng, còn 280 tỷ xin trả lại cho ngân sách.
Qua quá trình làm việc với các địa phương, các dự án và theo dõi số liệu giải ngân của các dự án, Bộ Tài chính thấy nổi lên các vướng mắc. Thứ nhất, vướng mắc trong khâu điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, sử dụng vốn dư.
Nâng cao trách nhiệm của bộ ngành, địa phương. |
Thứ hai, vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện và giải ngân với nhóm vướng mắc này khá đa dạng bao gồm: các vướng mắc trong khâu đầu thầu hoặc hợp đồng thương mại; vướng mắc về giải phóng mặt bằng; vướng mắc do điều chỉnh thiết kế; chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán. Đây là những vướng mắc thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh và các ban quản lý dự án.
Thứ ba, vướng mắc do thiếu kế hoạch vốn. Năm 2024, có một số địa phương đã lúng túng trong việc lập kế hoạch vốn, không dự kiến được tiến độ thực hiện dự án và số vốn cần giải ngân nên đã lập kế hoạch vốn không sát với thực tế, đặc biệt với các dự án có năm 2024 là năm giải ngân cuối cùng dẫn đến việc thiếu hoặc không có kế hoạch vốn để giải ngân.
>>Công khai địa phương để dự án đầu tư công giải ngân 0% kế hoạch
Nâng cao trách nhiệm của Bộ ngành, địa phương
Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp của nhiều ban ngành, địa phương và quyết tâm thực hiện đồng bộ và toàn diện với nhiều biện pháp.
Theo TS Lê Đăng Doanh, đầu tư công là “nền”, giữ vai trò dẫn dắt, lan tỏa, thúc đẩy đầu tư của xã hội. Đầu tư công hiệu quả sẽ có kết cấu hạ tầng tốt. Ngược lại, nguồn vốn này chậm chạp nền kinh tế sẽ bị kìm hãm.
Đánh giá tầm quan trọng của đầu tư công với tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo việc làm, thúc đẩy an sinh xã hội, Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu tập trung đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng nhất để bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng do tác động của dịch COVID-19. Đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có biện pháp, giải pháp cụ thể và chế tài mạnh mẽ trong triển khai thực hiện.
Nhưng theo ông Doanh, thời gian qua dù được thúc giục rất nhiều song tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm chạp. “Những địa phương, bộ ngành chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công, cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ nói chung chung sẽ không thể nêu cao tinh thần trách nhiệm”, ông Doanh nói.
Để giải bài toán chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công một cách triệt để, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cho rằng cần đề cao vai trò lãnh đạo Bộ, ban, ngành, địa phương. Người đứng đầu các cơ quan phải quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Đồng thời nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành.
“Nếu Bộ, ngành nào tiếp tục chậm trễ trong giải ngân vốn phải cắt, chuyển vốn cho đơn vị có trách nhiệm, đang cần vốn để sử dụng vốn hiệu quả hơn”, ông Thịnh nói.
Nhiều dự án 'ì ạch', vỡ tiến độ, TP. HCM xin giảm 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư công
Sau 4 tháng, còn nhiều dự án trăm tỷ, nghìn tỷ chưa giải ngân vốn đầu tư công