Ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, hướng đến đạt được mục tiêu 'nhảy vọt', đòi hỏi các giải pháp quản lý mang tính tổng thể và toàn diện.
So với các quốc gia khác, Trung Quốc có nền tảng công nghiệp vững chắc và đang tích cực kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau.
Sự tích hợp này tạo ra nhu cầu đáng kể về trí tuệ nhân tạo (AI) và mang lại không gian cho sự đổi mới và phát triển.
Để quản lý chặt chẽ ngành công nghiệp AI đang phát triển như vũ bão, Trung Quốc đã áp dụng ‘biện pháp tạm thời để quản lý các dịch vụ AI tạo sinh’.
Các biện pháp này nhằm mục đích thúc đẩy phát triển ứng dụng AI tạo sinh với mục đích tích cực, đồng thời ưu tiên cả phát triển và bảo mật. Chính phủ Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận toàn diện, thận trọng trong việc giám sát các dịch vụ AI tạo sinh.
Sự phát triển hài hòa có vai trò sống còn đối với thị trường AI, do đó các chuyên gia Trung Quốc đang đề xuất sử dụng công nghệ điều tiết (RegTech) để đạt được điều này.
ChatGPT ra đời đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong mối quan hệ giữa con người và máy móc, công nghệ và ngành công nghiệp, đặt ra những thách thức đối với trật tự xã hội truyền thống.
Châu Âu đã đi đầu trong việc đề ra quy định về AI bằng việc ban hành ‘quy tắc đạo đức và sách trắng về trí tuệ nhân tạo’.
Trung Quốc đang học hỏi kinh nghiệm của châu Âu bằng cách thiết lập một hệ thống quản lý linh hoạt, dựa trên các phương án ứng dụng khác nhau, trong đó làm rõ vai trò của Chính phủ trong việc phối hợp giữa các bên liên quan.
Về mặt quản trị rủi ro, các kịch bản được nghiên cứu và xác định rõ ràng. Việc giám sát có thể được điều chỉnh dựa trên các tình huống cụ thể, cho phép cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp quản lý khác nhau dựa trên các đánh giá về rủi ro, lộ trình kỹ thuật, chế độ ứng dụng và các đơn vị chịu trách nhiệm khác nhau.
Một mô hình quản trị phân cấp được áp dụng, tạo không gian cho việc thử nghiệm và sai sót trong các lĩnh vực có rủi ro thấp.
Các mô hình công nghệ khả thi, được lựa chọn dựa trên sự phù hợp và tuân thủ các quy định, là yếu tố tạo nên sức sống của thị trường AI Trung Quốc.
Sự bùng nổ AI cũng đặt ra những rủi ro mà Trung Quốc xác định cần tìm kiếm biện pháp giải quyết. Chúng bao gồm thiết lập các cơ sở dữ liệu chất lượng cao, đảm bảo tuân thủ dữ liệu, làm rõ việc phân bổ bản quyền cho các kết quả AI tạo sinh, giải quyết các vấn đề phân biệt đối xử, thành kiến và phổ biến thông tin sai lệch...
Đặc biệt, vấn đề đào tạo các nguyên tắc đạo đức và luân lý cho AI để buộc chúng điều chỉnh tính chính xác, đồng thời duy trì sự công bằng và hiệu quả, là một lĩnh vực nghiên cứu đang được các cơ quan quản lý thúc đẩy.
Để hỗ trợ sự phát triển của ngành AI, Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ xây dựng một hệ sinh thái sức mạnh điện toán (computing power), đặt mục tiêu tăng cường tổng năng lực tính toán lên hơn 50% so với thời điểm hiện tại vào trước năm 2025.
Bắc Kinh đang tập trung vào các cải tiến trong năng lực siêu máy tính và AI, đặc biệt là phát triển máy tính lượng tử. Điều này liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng AI, nền tảng tài nguyên dữ liệu đào tạo công cộng, chia sẻ các tài nguyên sức mạnh điện toán và mở rộng tài nguyên dữ liệu đào tạo công cộng chất lượng cao.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng triển khai chính sách khuyến khích sử dụng chip, phần mềm, công cụ, sức mạnh điện toán, tài nguyên dữ liệu an toàn và đáng tin cậy.
Những nỗ lực nhằm điều tiết ngành công nghiệp AI và phát triển hệ sinh thái sức mạnh điện toán mạnh mẽ gần đây sẽ là cơ sở quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của Trung Quốc với tư cách là quốc gia dẫn đầu về đổi mới và ứng dụng AI.
(theo Digichina)