Ông Trump đảo ngược chính sách, Mỹ dễ 'mất trắng' một ngành quan trọng vào tay Trung Quốc
Một làn sóng phục hồi sản xuất tấm pin mặt trời tại Mỹ – khởi đầu từ thời chính quyền Trump – đang đối mặt nguy cơ bị dập tắt khi các ưu đãi thuế cho năng lượng sạch bị cắt giảm dần.
Mỹ từng dẫn đầu, nay đối mặt nguy cơ tụt hậu
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã áp thuế lên các tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu và thúc đẩy làn sóng các công ty xây dựng nhà máy tại Mỹ, góp phần hồi sinh ngành sản xuất từng gần như suy tàn này.
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, làn sóng này tiếp tục tăng tốc nhờ các ưu đãi thuế hào phóng dành cho các nhà sản xuất và nhà phát triển trang trại điện mặt trời.
Tuy nhiên hiện nay, các nhà sản xuất pin mặt trời lo ngại rằng dự luật "to và đẹp" vừa được thông qua có thể đặt dấu chấm hết cho sự hồi sinh non trẻ của ngành này, và khiến Trung Quốc nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ chuỗi sản xuất pin mặt trời toàn cầu.
“Điều này sẽ khiến nhiều công ty phá sản”, ông Mike Carr, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Các Nhà sản xuất Năng Lượng Mặt Trời cho nước Mỹ (SEMA), đại diện cho hơn 15 công ty và 6.100 công nhân sản xuất, cảnh báo. “Nó sẽ tàn phá cả ngành công nghiệp”.

Các tấm pin mặt trời hiện đại được phát triển lần đầu tại Bell Labs – đơn vị nghiên cứu thuộc AT&T – vào những năm 1950. Mỹ từng là quốc gia dẫn đầu trong sản xuất pin mặt trời cho đến tận những năm 1990, nhưng dần đánh mất vị thế. Sản xuất đã lần lượt dịch chuyển sang Nhật Bản, sau đó là Đức và cuối cùng là Trung Quốc – nơi hiện chiếm phần lớn sản lượng pin mặt trời toàn cầu cũng như các linh kiện và nguyên liệu đầu vào.
Nhiều đời tổng thống Mỹ đã cố gắng hồi sinh ngành sản xuất pin mặt trời trong nước thông qua hỗ trợ liên bang và thuế quan áp lên hàng nhập khẩu. Nỗ lực gần đây nhất là Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act) do Tổng thống Biden ký ban hành, cung cấp hàng trăm tỷ USD ưu đãi thuế cho cá nhân và doanh nghiệp mua tấm pin mặt trời, xe điện và các công nghệ năng lượng sạch khác – nhằm kích thích sản xuất nội địa các sản phẩm này.
Nhưng hiện nay, các ưu đãi đó đang bị đe dọa. Đặc biệt, các nhà sản xuất lo ngại về những điều khoản trong phiên bản dự luật của Thượng viện sẽ dần loại bỏ các khoản tín dụng thuế dành cho các dự án năng lượng mặt trời và gió.
Ưu đãi thuế bị đe dọa nghiêm trọng
Đạo luật Giảm lạm phát trước đó cấp tín dụng thuế cho các dự án điện mặt trời bất kể nguồn gốc xuất xứ của tấm pin. Tuy nhiên, nó cũng đưa ra khoản tín dụng bổ sung 10% cho các nhà phát triển sử dụng tấm pin có tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu – một lợi ích mà các lãnh đạo ngành cho rằng đã giúp gia tăng đáng kể nhu cầu với sản phẩm sản xuất tại Mỹ.
Dự luật mà Thượng viện vừa thông qua sẽ chấm dứt khoản tín dụng bổ sung này vào ngày 31/12/2027. Một điều khoản khác trong dự luật cho phép gia hạn đối với các công ty khởi công xây dựng trong vòng một năm kể từ khi dự luật có hiệu lực.
Doanh nghiệp và địa phương lên tiếng cảnh báo
Ông Adam S. Tesanovich, Giám đốc điều hành của công ty Talon PV tại Houston, cho biết công ty đang lên kế hoạch xây dựng hai nhà máy sản xuất các tế bào quang điện – thành phần cốt lõi của pin mặt trời. Nhưng nếu Quốc hội thực sự bãi bỏ các ưu đãi thuế, các dự án này có thể bị đe dọa nghiêm trọng.
“Nó giống như kéo tấm thảm ra khỏi chân chúng tôi ngay trong lúc đang xây dựng mô hình kinh doanh”, ông Tesanovich nói.
Nhiều quan chức Cộng hòa ở cấp địa phương đã kêu gọi lãnh đạo Quốc hội giữ nguyên các ưu đãi thuế đã giúp cộng đồng của họ thu hút được các nhà máy sản xuất pin mặt trời, tạo ra hàng ngàn việc làm.
Trong một bức thư gửi Lãnh đạo phe đa số Thượng viện John Thune (Đảng Cộng hòa, bang South Dakota), các quan chức tại Georgia nhấn mạnh rằng bang này là nơi đặt nhà máy của hãng sản xuất pin mặt trời Hàn Quốc Hanwha Qcells.
“Một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi với vai trò Chủ tịch Hạt Whitfield là duy trì vị thế của chúng tôi như trung tâm sản xuất của bang Georgia”, ông Jevin Jensen – Chủ tịch Hội đồng Hạt Whitfield – viết. “Các khoản đầu tư của Qcells tại hạt của chúng tôi đã hỗ trợ trực tiếp mục tiêu đó bằng cách mang đến hàng ngàn việc làm chất lượng cao cho các gia đình lao động”.
Ông Jensen kêu gọi ông Thune “hỗ trợ sửa đổi dự luật theo hướng thúc đẩy vị thế dẫn đầu của Mỹ về năng lượng và sản xuất, tiếp nối làn sóng phục hưng ngành công nghiệp tại Whitfield”.
Qcells đã đầu tư khoảng 3 tỷ USD vào các hoạt động sản xuất pin mặt trời tại Georgia, biến công ty này trở thành một trong những nhà sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo hàng đầu tại Mỹ.
“Hàng tỷ USD đang được rót vào, đổi mới công nghệ đang bén rễ, và hàng chục ngàn việc làm trong ngành năng lượng mặt trời trên khắp cả nước là minh chứng sống động”, ông Danny O’Brien – Chủ tịch phụ trách quan hệ công chúng của Qcells – nói. “Nhưng các tấm pin được lắp trên mái nhà, vận hành các doanh nghiệp và cộng đồng của chúng ta sẽ lại đến từ Trung Quốc – điều đó đe dọa an ninh quốc gia, làm suy giảm khả năng dẫn đầu cuộc đua AI và cản trở quá trình tái công nghiệp hóa những ngành kinh tế trọng yếu”.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất pin mặt trời đang đối mặt với nhiều trở lực chính trị. Dù một số nghị sĩ Cộng hòa muốn tiếp tục hỗ trợ ngành sản xuất năng lượng mặt trời, những tiếng nói bảo thủ khác – bao gồm ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và ông Donald Trump – lại kêu gọi cắt giảm sâu rộng các ưu đãi dành cho năng lượng sạch.
Ông Carr cho rằng việc cắt giảm các ưu đãi cho ngành pin mặt trời lúc này sẽ làm suy yếu cả nỗ lực ban đầu của chính quyền Trump nhằm giành lại năng lực sản xuất từ tay Trung Quốc – quốc gia hiện thống trị không chỉ ngành sản xuất tấm pin mà còn cả các công nghệ năng lượng sạch khác như pin lithium-ion dùng cho xe điện và lưu trữ năng lượng.
Sau nhiều năm nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp pin mặt trời – chủ yếu tại các bang có xu hướng bảo thủ – ông Carr cho rằng việc quay ngược là điều đáng tiếc.
“Chúng tôi đã nói với các thượng nghị sĩ rằng điều này sẽ khiến cả ngành rơi vào tay Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2027”, ông nhấn mạnh.
Theo The New York Times