Chuyển động thị trường

Giải thể 2 chi nhánh giữa tâm bão thua lỗ kỷ lục, đối thủ của VinFast vẫn tạo cơn sốt chứng khoán nhờ viễn cảnh tương lai 'màu hồng'?

Hải Băng 17/02/2025 16:01

Bất chấp thua lỗ kỷ lục trong năm 2024 và phải đóng cửa 2 chi nhánh, TMT liên tục tăng trần. Nhà đầu tư chấp nhận trả giá gấp 4,4 giá trị sổ sách vẫn khó có cơ hội để sở hữu cổ phiếu này.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/2, cổ phiếu TMT của CTCP Ô tô TMT tăng 6,86%, lên 14.800 đồng/cp, phá đỉnh "cây thông" mới tạo ra trước Tết Nguyên đán 2025 nhờ 11 phiên tăng trần liên tục. Thanh khoản chưa đến 1 tỷ đồng, nhiều nhà đầu tư vẫn treo mua ở giá cao nhất nhưng không có người bán.

TMT tăng mạnh bất chấp những diễn biến không mấy tích cực trong hoạt động kinh doanh gần đây. Công ty công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với mức lỗ sau thuế 121 tỷ đồng. Cả năm 2024, TMT bán hàng dưới giá vốn và chịu lỗ sau thuế 315 tỷ đồng, cách xa mục tiêu đầu năm là lãi 39 tỷ đồng.

Đồng thời, TMT đã phải đóng cửa chi nhánh tại Đà Nẵng do khó khăn trong kinh doanh. Chi nhánh tại Hưng Yên cũng ngừng hoạt động vì tái cơ cấu, không còn nhu cầu sản xuất, kinh doanh xe khách và xe buýt.

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp giảm từ 437 tỷ đồng (ngày 1/1/2024) xuống còn 123 tỷ đồng (ngày 31/12/2024) do thua lỗ. Hiện tại, vốn hóa thị trường của TMT đạt 546 tỷ đồng, tức nhà đầu tư đang chấp nhận mua cổ phiếu với mức giá gấp 4,4 lần giá trị sổ sách của công ty.

Tương lai "màu hồng" của TMT

Bất chấp khó khăn, TMT vẫn đặt mục tiêu lớn cho năm 2025 với doanh thu 4.165 tỷ đồng và lợi nhuận 297 tỷ đồng – đều cao nhất trong lịch sử hoạt động. Công ty kỳ vọng bán ra tổng cộng 8.075 xe ô tô, bao gồm 1.215 xe tải nặng, 3.456 xe tải nhẹ và 3.404 xe điện.

Giải thể 2 chi nhánh giữa tâm bão thua lỗ kỷ lục, đối thủ của VinFast vẫn tạo cơn sốt chứng khoán nhờ viễn cảnh tương lai 'màu hồng'?
Xe Wuling Mini EV (Trung Quốc) đang được bán tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

Với dòng xe tải, TMT có bề dày kinh nghiệm trong việc phân phối các thương hiệu Cửu Long, Tata, Howo, DFSK và TMT, với dải sản phẩm từ 900 kg đến 40 tấn, thông qua hệ thống đại lý ủy quyền trên toàn quốc.

Xe điện đang trở thành kỳ vọng lớn của các nhà đầu tư vào TMT. Doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này từ năm 2023 bằng việc hợp tác với SAIC GM WULING AUTOMOBILE (Trung Quốc) để phân phối các mẫu ô tô điện bán chạy hàng đầu thế giới của hãng tại thị trường Việt Nam.

Dựa trên nền tảng có sẵn, TMT đã nhanh chóng hoàn thiện dây chuyền lắp ráp xe điện công suất 30.000 xe/năm tại tỉnh Hưng Yên và đang cân nhắc nâng công suất lên 60.000 xe/năm. Hiện tại, thị trường xe điện Việt Nam có khoảng 10 hãng tham gia, nhưng chỉ có TMT và VinFast là 2 đơn vị tiên phong sản xuất, lắp ráp tại nhà máy trong nước.

Bên cạnh 2 mẫu xe đang phân phối là Wuling Mini EV và Wuling Bingo, TMT dự kiến tung thêm 7 mẫu xe điện Trung Quốc khác vào Việt Nam trong năm nay.

Theo tìm hiểu, công ty đã bán được 591 xe điện trong năm 2023, đặt mục tiêu 1.016 xe trong năm 2024 và thực tế đã vượt kế hoạch với 1.358 chiếc. Tuy nhiên, con số này vẫn kém xa VinFast với doanh số 87.000 chiếc tại thị trường Việt Nam trong năm 2024.

>> Sau khi công bố mức lỗ kỷ lục, đối thủ của VinFast muốn giải thể 2 chi nhánh ở Đà Nẵng và Hưng Yên

Vốn hóa Đất Xanh tương lai đạt 10 tỷ USD: Mục tiêu nói dễ - khó làm của ông Lương Trí Thìn

HHV: Công ty nhóm Đèo Cả tăng trưởng lợi nhuận 236 lần sau 1 thập kỷ lên sàn chứng khoán

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/giai-the-2-chi-nhanh-giua-tam-bao-thua-lo-ky-luc-doi-thu-cua-vinfast-van-tao-con-sot-chung-khoan-nho-vien-canh-tuong-lai-mau-hong-276879.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giải thể 2 chi nhánh giữa tâm bão thua lỗ kỷ lục, đối thủ của VinFast vẫn tạo cơn sốt chứng khoán nhờ viễn cảnh tương lai 'màu hồng'?
    POWERED BY ONECMS & INTECH