Giảm phụ thuộc Trung Quốc, quốc gia châu Á 'chơi lớn' xây siêu cảng top 10 thế giới
Được biết đây là một phần quan trọng trong kế hoạch thiết lập các tuyến đường biển và đường sắt nối Ấn Độ với châu Âu thông qua Trung Đông.
The Business Times đưa tin, Ấn Độ mới đây đã công bố kế hoạch xây dựng một trong những cảng biển lớn nhất thế giới.
Cảng nước sâu hiện đang được xây dựng ở Vadhavan, thuộc bang Maharashtra phía Tây Ấn Độ.
Khi hoàn thành vào năm 2036, cảng Vadhavan được cho là sẽ nằm trong số 10 cảng nước sâu hàng đầu thế giới, tự hào có 9 bến container, mỗi bến dài hơn 970m cùng năng lực xử lý hàng hóa lớn nhất Ấn Độ.
Ngoài ra, công trình còn bao gồm các bến cảng có khả năng tiếp nhận các “tàu lớn” và xử lý xăng dầu, ô tô và các mặt hàng nhập khẩu khác, với tổng công suất hàng năm là 300 triệu tấn hàng hóa.
Cảng nước sâu mới tại Vadhavan sẽ là một trong những cảng lớn nhất thế giới sau khi hoàn thành. Ảnh: Reuters |
Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ dự kiến dự án sẽ tạo ra 1,2 triệu việc làm và giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa đường dài hơn.
Với kinh phí hơn 9 tỷ USD, công trình “sẽ là một phần không thể thiếu của hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - Châu Âu (IMEC)”, theo Bộ trưởng Thông tin Ấn Độ Ashwini Vaishnaw.
Các nhà phân tích nhận định, IMEC - được công bố bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9 năm ngoái tại Ấn Độ - có tiềm năng định hình lại năng lực thương mại khu vực và thu hút sự hỗ trợ từ các quốc gia phương Tây.
Kế hoạch nhằm mục đích xây dựng một hành lang logistics liền mạch nối Ấn Độ với miền Nam châu Âu thông qua các cảng, đường sắt và đường bộ ở UAE, Saudi Arabia và Jordan.
Công trình đường bộ ở Mumbai, cách cảng nước sâu mới được đề xuất tại Vadhavan khoảng 100km về phía Nam. Ảnh: Reuters |
Ấn Độ từ lâu đã nỗ lực phát triển các hành lang thương mại mới với châu Âu nhằm tránh phụ thuộc vào mạng lưới cảng do Trung Quốc điều hành trên khắp Nam Á và Trung Đông.
Giáo sư quan hệ quốc tế Sreeradha Dutta của đại học Jindal (Ấn Độ) bình luận, là bước khởi đầu của IMEC, siêu cảng mới ở Vadhavan có thể trở thành “cửa ngõ thương mại của Ấn Độ với châu Âu và khu vực vùng Vịnh”.
Dự án IMEC cũng được kỳ vọng sẽ tích hợp chuỗi cung ứng để thúc đẩy sản xuất chung, cáp dữ liệu dưới biển và đường ống dẫn hydro như một giải pháp thay thế nhiên liệu bền vững, đáp ứng kế hoạch đa dạng hóa kinh tế của các quốc gia vùng Vịnh.
Thành tích trước đây của Ấn Độ trong việc phát triển đường cao tốc, sân bay hiện đại và cơ sở hạ tầng quan trọng khác cho thấy nước này có khả năng thực hiện thành công sáng kiến siêu cảng đầy tham vọng này.
Theo The Business Times, Reuters