Giành lợi thế trong cuộc đua tranh miếng bánh béo bở, Digiworld (DGW) được kỳ vọng bứt phá
Mảng thiết bị bảo hộ lao động được xem là thị trường tiềm năng khi Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn, hút vốn đầu tư FDI.
Ngành thiết bị công nghiệp và bảo hộ lao động được đánh giá là có nhiều tiềm năng do Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư FDI. Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, 6 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Với việc hàng loạt nhà máy của các thương hiệu lớn trên thế giới như Lego, Pandora, Samsung,... có xu hướng chuyển dịch tới Việt Nam, gia tăng vốn đầu tư, càng củng cố kỳ vọng về sự tăng trưởng trong nhu cầu về thiết bị bảo hộ lao động.
Thị trường hàng bảo hộ lao động Việt Nam đang là miếng bánh béo bở, tuy vậy miếng bánh này được chia thế nào thì còn khá ít thông tin. Một trong những lý do, là gần như không có doanh nghiệp trong ngành có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán, ngoại lệ một vài trường hợp, mà thương hiệu Achison là một ví dụ.
Achison trên thực tế không phải là một doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, tuy vậy tên tuổi của doanh nghiệp lại thường được nhắc tới theo cách hoàn toàn khác. Thương vụ M&A dáng chú ý gần đây nhất của CTCP Thế giới số (Digiworld - DGW) đã gián tiếp giúp Achison nổi lên.
Digiworld ngày nay không còn được nhắc tới đơn thuần là một doanh nghiệp bán lẻ ICT, mà là một nhà phân phối. Bằng công thức MES quyền năng, Digiworld đã giúp các thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, từ HP đến Dell... và sau này là mảng thiết bị văn phòng, đồ gia dụng... đến nay là cả thiết bị bảo hộ lao động.
Báo cáo của chứng khoán DSC cho thấy, thị phần lĩnh vực thiết bị văn phòng của Digiworld chiếm khoảng 10% (chưa tính Achison). Do đó, với với động thái sát nhập Achison, Digiworld sẽ gia tăng đáng kể thị phần và dự kiến nâng cao tỷ lệ đóng góp doanh thu của mảng này trong tương lai.
Ảnh minh hoạ |
Với GDP bình quân đầu người của nước ta hiện nay khoảng 109 triệu/người cùng với sở thích được tiếp cận với các công nghệ mới, DSC cho rằng thị trường mua bán thiết bị điện tử cũ tại Việt Nam có triển vọng tăng trưởng rất rõ ràng.
Đi trước đón đầu, quý I/2024, Digiworld bất ngờ công bố việc M&A chuỗi Vietmoney. Theo DSC đánh giá, đây sẽ là bàn đạp giúp Digiworld có thể tấn công vào thị trường secondhand vốn đầy tiềm năng và chưa được khai thác hiệu quả tại Việt Nam, Với sự đồng hành của Vietmoney, Digiworld có thể thu hồi các sản phẩm có giá trị, sau đó thanh lý trên chính các website hoặc cửa hàng của mình.
Đối với mảng laptop và máy tính bảng, DSC cho rằng sau giai đoạn tăng trưởng mạnh do nhu cầu học tập và làm việc từ xa bùng nổ bởi đại dịch Covid-19, nhu cầu đổi mới các sản phẩm điện tử này sẽ phục hồi dần kể từ cuối năm 2024 khi tuổi thọ trung bình của các sản phẩm này thường từ 3-5 năm.
Bên cạnh đó, mảng ICT cũng kỳ vọng sẽ bước vào chu kỳ phục hồi với các động lực hỗ trợ khác nhau.
Trong khi đó đối với mảng điện thoại di động, DSC cũng kỳ vọng sẽ có sự phục hồi từ mức nền thấp trong năm 2023 nhờ vào các luận điểm: (1) nhu cầu tiêu thụ phục hồi nhờ vào các sản phẩm, mẫu mã mới ra mắt vào dịp cuối năm như Iphone 16 và (2) Việt Nam sẽ tiến hành tắt sóng mạng 2G trong tháng 9/2024 từ đó sẽ giúp thúc đẩy làn sóng đổi mới sản phẩm smartphone. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay cả nước vẫn còn khoảng 15 triệu thuê bao đang sử dụng featurephone (điện thoại cục gạch).
Ngoài các yếu tố kể trên, với việc quốc hội duy trì việc giảm thuế VAT về mức 8% cho đến hết năm 2024 dự kiến sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng từ đó kỳ vọng sẽ giúp hỗ trợ cho các doanh nghiệp bán lẻ nói chung và Digiworld nói riêng.
Do đó, DSC ước tính kết quả kinh doanh năm nay của Thế giới số sẽ có sự tăng trưởng mạnh. Nhóm phân tích dự đoán, doanh thu thuần năm 2024 của Digiworld sẽ đạt 21.324 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận ước đạt 429 tỷ đồng, tăng 18% so với lợi nhuận đạt được năm 2023.
>> Lương tăng, ngành bán lẻ khởi sắc, Digiworld (DGW) được kỳ vọng bứt phá
Đèo Cả (HHV) muốn làm dự án trăm tỷ đồng tại một tỉnh miền Trung
Lideco (NTL) ‘bắt tay’ Hà Đô (HDG) làm 2 dự án bất động sản tại vị trí đắc địa ở Hà Nội