Sự thuận tiện, thoải mái, nhanh chóng… là một trong những lý do dẫn đến việc mua sắm online không kiểm soát với vô vàn hệ lụy khôn lường.
Bùng nổ nhu cầu mua sắm online
Kể từ khi ra đời, mua sắm online đã thật sự trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống. Giờ đây, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh và vài cú click chuột, bạn hoàn toàn có thể mua sắm và được giao hàng tới tận nơi mà không tốn quá nhiều thời gian, công sức để đi khắp nơi lựa chọn.
Xu hướng mua sắm online ngày càng phổ biến hơn nữa với sự “vào cuộc” của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo,… Hàng loạt chương trình khuyến mãi, ưu đãi lớn liên tục được các đơn vị mang đến khiến cho việc mua sắm online lại càng trở nên bùng nổ, quả là không ngoa khi nhận định “ nhà nhà mua hàng online, người người mua hàng online”.
Thời điểm đại dịch Covid 19 khiến mọi thứ phải trì trệ là thời điểm lý tưởng để mua sắm online lên ngôi và khẳng định vị thế quan trọng của mình. Theo thống kê của Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính số lượng người dùng lựa chọn mua sắm online vào năm 2022 đã lên tới 57-60 triệu người và giá trị mua sắm online của mỗi người là khoảng 6,1 – 6,6 triệu đồng.
Mua sắm “vô tội vạ”
Sự thuận tiện, nhanh chóng với số lượng ưu đãi “khủng” những tưởng sẽ giúp các bạn trẻ có thể sở hữu các món đồ “vừa rẻ vừa chất lượng” và để ra nhiều khoản tiền tiết kiệm, thế nhưng thực tế thì lại ngược lại hoàn toàn. Theo chia sẻ của nhiều bạn trẻ, họ sẵn sàng mua sắm bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu và thậm chí là với những món đồ không thật sự cần thiết.
Hàng tháng, các sàn thương mại điện tử đều đưa ra rất nhiều chương trình ưu đãi, đặc biệt là những món đồ chỉ 1K, 9K,… kèm theo mã miễn phí vận chuyển. Những ngày sau đó, hình ảnh những người shipper “cắm chốt” tại cổng các công ty, trường học,… là điều vô cùng hiển nhiên. Thế nhưng, khi được hỏi về lợi ích của những món đồ đó, không bạn trẻ nào trả lời được rằng nó có thật sự quan trọng hay dùng vào mục đích gì hay không?
Theo chia sẻ của nhiều bạn trẻ, việc họ mua sắm online chỉ đơn thuần là “thấy hay hay là chốt đơn”. Những món đồ giá rẻ nhưng không đi kèm với chất lượng tốt được các bạn trẻ đặt mua “bất chấp” chỉ vì rẻ và thấy hứng thú. Một món đồ giá rẻ không là vấn đề nhưng nhiều món đồ giá rẻ thì số tiền bạn phải bỏ ra không phải là nhỏ.
Thói quen mua sắm online không kiểm soát gây ra những khoản lãng phí không đáng có đối với các bạn trẻ, nhất là khi nguồn thu nhập không được dư dả. Thậm chí có những bạn trẻ sau khi thỏa mãn đam mê mua sắm online thì đến cuối tháng buộc phải “thắt lưng buộc bụng”. Điều này quả thật không hề vui vẻ khi chúng ta không để ra được bất cứ khoản tiết kiệm nào cho tương lai.
Bên cạnh đó, việc mua sắm online không kiểm soát còn gây ra những lo ngại khôn lường đối với môi trường. Những loại rác thải sau để đóng các gói hàng không qua xử lý sẽ gây hại đến hệ sinh thái môi trường, làm tăng tình trạng ô nhiễm đáng báo động. Để đóng hàng, chúng ta sẽ mất một lượng lớn bao bì carton, túi chống sốc, băng keo,… Đặc biệt, những món đồ rẻ với chất lượng kém sẽ không được sử dụng đúng mục đích, càng không thể tái sử dụng hay tái chế sẽ khiến lượng rác thải càng ngày càng nhiều.
Dừng lại ngay trước khi quá muộn
“Dừng lại ngay trước khi quá muộn” chính là thông điệp và lời cảnh tỉnh đối với thói quen mua sắm online không kiểm soát. Trước khi quyết định đặt mua bất cứ thứ gì, điều bạn cần phải làm chính là tự hỏi bản thân mình liệu rằng món đồ đó có thật sự cần thiết và hữu ích đối với cuộc sống của mình hay không?
Thật đáng lo ngại khi việc khoe các chiến tích mua hàng trở thành điều được nhiều bạn trẻ thầm ao ước. Những món đồ không sử dụng được chất thành đống cao được xem là thước đo cho năng lực, sự tài giỏi của mỗi cá nhân. Càng nguy hiểm hơn khi nhiều đối tượng lợi dụng tâm lý thích mua hàng giá rẻ để thực hiện các hành vi lừa đảo, bán hàng giả, hàng kém chất lượng,… hay thậm chí là cho vài hòn sỏi, viên đá vào các đơn hàng 1K.
Thói quen mua sắm online gây ra vô vàn hệ lụy nghiêm trọng đối với chính bản thân, xã hội và toàn bộ hệ sinh thái môi trường. Nếu như cả một thế hệ trẻ đều chi tiêu quá mức, mua sắm không kiểm soát thì chắc chắn rằng nền kinh tế trong tương lai hoàn toàn không thể phát triển, điều duy nhất phát triển chính là các khoản nợ khổng lồ.
Mua sắm online không hề xấu, điều xấu duy nhất chính là tinh thần và lối tư duy ham của rẻ của phần lớn các bạn trẻ. Hãy thật sự là người tiêu dùng thông thái và chi tiêu có trách nhiệm với chính công sức mà mình đã phải bỏ ra.