Góc nhìn cổ phiếu Sacombank (STB) năm 2024 và câu chuyện 'tôi cũng muốn được chia cổ tức'

03-01-2024 10:52|Quốc Trung

Tại ĐHCĐ thường niên 2023, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT ngân hàng Sacombank (STB) từng chia sẻ: "Tôi là cổ đông lớn nhất và cũng muốn được chia cổ tức, chứ không muốn ngâm mãi".

Tại ĐHCĐ thường niên 2023 tổ chức hồi cuối tháng 4, cổ đông từng chất vấn lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (Mã STB - HoSE) vì sao lợi nhuận cao, giá cổ phiếu tăng nhưng nhiều năm liền không chia cổ tức.

Sacombank
Chủ tịch HĐQT Sacombank ông Dương Công Minh

Phúc đáp, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank - cho biết, ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu. Hiện Sacombank đã cơ bản xử lý xong nợ xấu, còn điều kiện duy nhất là đấu giá cổ phần của ông Trầm Bê và bên liên quan.

"Trong năm 2023, Sacombank sẽ giải quyết xong vấn đề đấu giá số cổ phiếu trên. Khi hoàn thành tái cơ cấu, mới có thể tiến hành chia cổ tức cho cổ đông. Tôi là cổ đông lớn nhất và cũng muốn được chia cổ tức, chứ không muốn ngâm mãi", ông Minh khẳng định.

Người đứng đầu Sacombank cũng nhấn mạnh 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu và sang năm 2024 sẽ dùng 100% lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức.

Tại thời điểm tổ chức Đại hội, lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn lại của STB ghi nhận 3.741 tỷ đồng. Cộng với 8.930 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước, lũy kế Sacombank có 12.672 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng đã trình cổ đông phương án sẽ giữ lại toàn bộ số lợi nhuận này.

Góc nhìn cổ phiếu Sacombank (STB) năm 2024 và câu chuyện 'tôi cũng muốn được chia cổ tức'
Nguồn: Báo cáo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2023 của Sacombank

Tại Lễ kỷ niệm 32 năm thành lập cách đây ít ngày, đại diện Sacombank cho biết, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản ngân hàng ước đạt gần 664.000 tỷ đồng. Tổng huy động ước đạt hơn 574.000 tỷ đồng; cho vay hơn 487.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến hơn 9.500 tỷ - tăng 50% so năm trước (hoàn thành kế hoạch năm). Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2%.

Đáng chú ý, gần 7.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng đã được xử lý thành công, nâng tổng mức thu hồi lũy kế lên gần 95.000 tỷ đồng. Sacombank cho biết đã trích lập 100% quỹ dự phòng cho toàn bộ danh mục nợ tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý, qua đó tiệm cận hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo Đề án tái cơ cấu.

Cùng với "kho lương" dự trữ sau 8 năm liên tiếp không chia cổ tức, ước tính tổng nguồn lợi nhuận thặng dư của STB đến cuối năm có thể đạt mức 20.000 tỷ đồng. Đây là điều không thể vui hơn nếu Sacombank thực hiện trả cổ tức cho cổ đông từ năm 2024 trở đi như đã cam kết.

Theo số liệu ghi nhận tại thời điểm giữa tháng 3/2023, nhà băng này ghi nhận khoảng 81.000 cổ đông, nắm giữ gần 1,89 tỷ cổ phiếu. Con số này thậm chí chỉ xếp sau Chứng khoán SSI với khoảng 84.000 cổ đông và Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với gần 180.000 cổ đông.

Chuyển động của cổ phiếu STB trên thị trường

Cổ phiếu STB tại thời điểm 10h05 phiên 3/1/2024 đang giao dịch tại mức 27.750 đồng/cp và duy trì xu hướng điều chỉnh kể từ vùng giá 33.x hồi giữa tháng 9/2023.

Năm 2023, cổ phiếu STB tăng hơn 24% và xếp sau mức tăng của 7 mã ngân hàng khác trong rổ VN30. Đáng chú ý, thời điểm giữa tháng 9/2023, cổ phiếu Sacombank từng áp sát gần với mức đỉnh lịch sử. Tuy nhiên, áp lực chốt lời khiến giá quay đầu điều chỉnh.

Tương tự các mã LPB, SHB, HDB, cổ phiếu STB hiện chưa thể chinh phục thành công đỉnh lịch sử trong năm 2023 dù có thời điểm đã tiến rất gần.

>> Đâu là cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất rổ VN30 năm 2023?

Sacombank
Diễn biến giá cổ phiếu STB

Ở diễn biến khác, năm 2023 cũng chứng kiến sự rời đi của một lượng lớn dòng tiền khối ngoại khỏi cổ phiếu Sacombank. STB đứng thứ 6 trong Top 10 mã chứng khoán bị xả bán mạnh nhất sàn HoSE với giá trị gần 2.500 tỷ đồng.

Thực chất, đây là động thái chốt lời của dòng tiền khối ngoại trong bối cảnh cổ phiếu tăng giá. Trước đó năm 2022, STB là mã được tiền ngoại mua mạnh nhất sàn HoSE với giá trị gần 4.600 tỷ đồng - vượt trội so với các cổ phiếu xếp sau như DGC, CTG, DPM hay VHM,

>> Khối ngoại 'đè' cổ phiếu ngân hàng ra bán, một mã bị rút 7.500 tỷ đồng sau 2 năm

Theo đánh giá của Azfin Việt Nam trên góc nhìn đầu tư, cùng với quá trình tái cấu trúc nợ sau khi tiếp nhận ngân hàng Phương Nam, STB từ một ngân hàng rất xấu đã trở về mức trung bình. Định giá hiện tại của cổ phiếu tương đối rẻ so với vị thế vốn có. Tuy nhiên, STB không phải là ngân hàng Top đầu như nhiều diễn đàn vẫn truyền tai nhau.

Câu chuyện kỳ vọng của Sacombank lúc này là thương vụ bán tối thiểu cho 32,5% cổ phần STB đang bị phong tỏa qua đó có thể tạo động lực mạnh mẽ cho tăng giá cổ phiếu STB trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Agriseco (AGR) nhận định, Sacombank dự kiến thu hồi khoảng 19.000 tỷ đồng từ việc thanh lý thành công tài sản thế chấp 32,5% cổ phần STB bị phong tỏa tại Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) và ít nhất 7.900 tỷ đồng từ việc đấu giá Khu công nghiệp Phong Phú trong năm 2024.

Chứng DSC thông tin, mức giá bán tối thiểu so lượng cổ phần này có thể từ 32.000 - 34.000 đồng/cp.

>> Sacombank (STB) báo lãi năm 2023 tăng 50%, thu hồi thêm được 7.000 tỷ đồng nợ xấu

VHM, STB và 2 cổ phiếu chứng khoán sẽ được gom mạnh trong kỳ cơ cấu ETF tới

Vụ cướp 3,8 tỷ tại Sacombank: Nhóm gây án sử dụng tiền giả

Dragon Capital mua ròng hàng chục triệu cổ phiếu STB trong chưa đầy một tháng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/goc-nhin-co-phieu-sacombank-stb-nam-2024-va-cau-chuyen-toi-cung-muon-duoc-chia-co-tuc-218162.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Góc nhìn cổ phiếu Sacombank (STB) năm 2024 và câu chuyện 'tôi cũng muốn được chia cổ tức'
POWERED BY ONECMS & INTECH