Góc nhìn nâng hạng thị trường chứng khoán từ nỗi lo thâu tóm doanh nghiệp
Việt Nam đang trên hành trình nâng hạng thị trường chứng khoán, thu hút dòng vốn ngoại khổng lồ, mở ra cơ hội vàng nhưng cũng đòi hỏi sự vững vàng trong quản trị và phát triển.
Một góc nhìn từ thị trường Thái Lan
Những ngày cuối quý III/2024, câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán một lần nữa trở nên nóng bỏng. Sự kiện này diễn ra ngay trước thời điểm Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68, mở đường cho việc tháo gỡ hai vướng mắc cuối cùng liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài, theo tiêu chí đánh giá của FTSE. Thông tư này cũng nhằm chuẩn bị cho kỳ đánh giá nâng hạng dự kiến diễn ra trong tháng 9/2025.
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích. Bên cạnh những yếu tố về tăng cường niềm tin của nhà đầu tư, cải thiện tính thanh khoản, nâng cao chuẩn mực thị trường, thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng dài hạn, hai yếu tố thu hút vốn đầu tư nước ngoài và mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp cũng được nhà đầu tư và các doanh nghiệp quan tâm đặc biệt.
Nhìn vào câu chuyện của Thái Lan giai đoạn 1975-2013, đặc biệt trong thập niên 1980 và đầu 1990, có thể thấy sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư từ Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Thị trường chứng khoán Thái Lan đã tăng trưởng "nóng", với chỉ số SET tăng 200-300%. Tuy nhiên, làn sóng đầu cơ tràn lan đã khiến nhiều doanh nghiệp và ngân hàng vay nợ lớn từ nước ngoài, đặc biệt là vay bằng USD, để tài trợ cho các dự án ngắn hạn.
Diễn biến chỉ số chứng khoán Thái Lan từ năm 1975 |
Đến cuối năm 1996, IMF đã cảnh báo về nguy cơ bong bóng kinh tế, từ đó dẫn đến sự điều chỉnh của thị trường. Chỉ số SET giảm mạnh từ 1.280 điểm vào cuối năm 1995 xuống còn 372 điểm vào cuối năm 1997; vốn hóa thị trường cũng giảm từ 141,5 tỷ USD xuống còn 23,5 tỷ USD. Công ty tài chính lớn nhất Thái Lan là Finance One thậm chí đã phải phá sản trong hoàn cảnh này.
Đây là một bài học về tác động của dòng vốn nước ngoài đối với thị trường chứng khoán, cũng như ảnh hưởng sâu xa hơn đến nền kinh tế. Đối với Việt Nam, cần có các biện pháp để cân bằng giữa việc thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì sự tự chủ của thị trường trong nước, nhằm tránh rủi ro tương tự.
Làm thế nào để chứng khoán Việt hòa nhập nhưng không hòa tan?
Tại chương trình Insight Talk do Người Quan Sát tổ chức ngày 25/9 với chủ đề “10 năm nâng hạng thị trường”, ông Tô Trần Hòa - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và ông Nguyễn Khắc Hải - Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI, đã chia sẻ những góc nhìn về cơ hội và thách thức của dòng tiền khối ngoại đối với doanh nghiệp trên sàn.
Việt Nam đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tìm giải pháp để dòng tiền này không ảnh hưởng đến khả năng tự chủ của thị trường trong nước. Từ góc nhìn của nhà quản lý, chúng ta đã chuẩn bị gì cho bài toán này?
Ông Tô Trần Hòa: "Đây là một vấn đề quan trọng. Trước mắt, chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng phải xác định rõ tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Qua quá trình rà soát, hiện còn khoảng 900 doanh nghiệp chưa thực hiện việc công bố tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Trong năm tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ yêu cầu các doanh nghiệp này hoàn tất việc công bố, nhằm minh bạch thông tin cho nhà đầu tư nước ngoài.
Từ góc độ thách thức, việc chúng ta dành 10 năm để chuẩn bị cho quá trình nâng hạng là hoàn toàn có cơ sở, giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư từng bước hoàn thiện những vấn đề cần thiết. Chúng ta cần phấn đấu xây dựng một thị trường vững chắc, tránh rơi vào tình trạng bị xuống hạng như trường hợp của Pakistan hay Argentina. Do đó, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đảm bảo tính minh bạch là điều cần thiết để đảm bảo sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán Việt Nam".
UBCKNN sẽ yêu cầu khoảng 900 doanh nghiệp trên sàn thực hiện nghiêm túc việc báo cáo tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong năm tới nhằm minh bạch thông tin.
Ông Tô Trần Hòa - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Đâu là góc nhìn từ phía doanh nghiệp? Chúng ta có sợ bị nước ngoài thâu tóm?
Ông Nguyễn Khắc Hải: "Trong 10 năm qua, Việt Nam đã chuẩn bị nhiều tiêu chí, trong đó có các tiêu chí về định lượng (quy mô thị trường) và năng lực của doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nguồn lực từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Việc chuẩn bị này giúp doanh nghiệp không bị ngợp và có thể nâng cao năng lực để đón đầu cơ hội.
Nâng hạng thị trường chứng khoán là một cơ hội tốt cho doanh nghiệp. "Chúng ta không lo ngại bị thâu tóm hoặc sáp nhập (M&A), bởi khi các tổ chức nước ngoài vào, họ vẫn cần dựa vào nguồn lực trong nước. Chúng ta, những người hiểu rõ thị trường và văn hóa kinh doanh nhất, sẽ là người điều hành chính khi dòng vốn ngoại đổ vào. Chúng ta chỉ cần làm đúng công việc của mình, quản trị doanh nghiệp minh bạch, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và chia sẻ lợi nhuận công bằng cho cổ đông. Khi đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ sẵn sàng giúp sức và hỗ trợ".
Ở một góc nhìn khác, vẫn có những thương vụ M&A khi các doanh nghiệp Việt đủ lớn và người sáng lập muốn chuyển sang lĩnh vực khác để đóng góp nhiều hơn. Khi đó, họ bán công ty cho nhà đầu tư nước ngoài, còn bản thân họ sẽ tiếp tục xây dựng những doanh nghiệp mới, tiếp tục huy động vốn từ nước ngoài. Như vậy, về tổng thể, điều này vẫn mang lại lợi ích cho cả hai bên.
>> Chuyên gia SSI: Thanh khoản TTCK sẽ đạt 40.000 tỷ đồng/phiên khi được nâng hạng
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đứng đầu một số ngành đang kín room ngoại. Làm sao để nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào những "miếng bánh" tiềm năng này?
Ông Tô Trần Hòa: "Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi đã ban hành các chính sách, luật doanh nghiệp và thông tư hướng dẫn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, cũng như những ngành nghề hạn chế hoặc không hạn chế kinh doanh. Tuy nhiên, việc xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của từng doanh nghiệp".
Ông Nguyễn Khắc Hải: "Trong 10 năm chuẩn bị, chúng ta đã chứng kiến nhiều thay đổi trong cơ chế quản lý. Từ quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài chỉ tối đa 49%, Luật Chứng khoán sửa đổi đi kèm Nghị định 155 đã mở rộng tỷ lệ này lên đến 100% (trừ các ngành có điều kiện hoặc liên quan đến an ninh quốc phòng).
Tôi cho rằng các cơ quan quản lý vẫn cần rà soát lại danh mục ngành nghề cần phải bảo vệ song cũng nên có cơ chế thông thoáng hơn đối với một số ngành nghề. Trong quá khứ, khi doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, chúng ta cần phải bảo vệ nhiều. Tuy nhiên khi thị trường phát triển, doanh nghiệp đủ lớn, có những điều kiện chúng ta nên linh hoạt gỡ bỏ.
Tương tự, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự rà soát lại danh mục ngành nghề đăng ký kinh doanh. Không ít doanh nghiệp có xu hướng đăng ký hoạt động ở rất nhiều ngành nghề song có những ngành gần như không hoạt động; những ngành này lại nằm trong danh mục bảo hộ của Nhà nước dẫn tới việc doanh nghiệp bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Vì vậy, chúng ta cũng cần cân nhắc mức tỷ lệ, có cần nâng lên hay không, thậm chí có thể nới room lên 100% không? Nói cách khác, doanh nghiệp cần cởi mở hơn với dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Về khẩu vị ưa thích của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, vị chuyên gia SSI nhận định, nhà đầu tư ngoại sẽ ưu tiên những ngành nghề mà Việt Nam có thế mạnh và những ngành mang tính chu kỳ (uptrend). Các doanh nghiệp cần đảm bảo minh bạch thông tin, quản trị rủi ro tốt để thu hút nhà đầu tư.
Trong khi đó, lãnh đạo UBCKNN cho rằng bản thân nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng cần nâng cao kiến thức, cân nhắc tham gia đầu tư thông qua các quỹ để hạn chế rủi ro và tăng cơ hội sinh lời.
>> Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Hành trình 10 năm nỗ lực không ngừng
Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Hành trình 10 năm nỗ lực không ngừng
Ra mắt 'Insight Talk' số đầu tiên: 10 năm nâng hạng thị trường qua góc nhìn của các nhà lãnh đạo