Đề xuất không sáp nhập quận Hoàn Kiếm vì lý do đặc biệt.
Ngày 19/2, Thường trực HĐND TP Hà Nội thông tin về thời gian và nội dung tổ chức kỳ họp chuyên đề HĐND TP, dự kiến diễn ra từ 25/3 đến 29/3.
Hai nội dung đáng lưu ý của kỳ họp tới là HĐND TP. Hà Nội sẽ thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nội dung thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.
Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, 579 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Trong giai đoạn 2023-2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí, Hà Nội dự kiến có 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Trong đó, số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 là 173; số thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp là 76; số thuộc diện khuyến khích sắp xếp là 12.
Quận Hoàn Kiếm |
>> Sắp tới, một quận trung tâm TP. Hà Nội sẽ xây 5 quảng trường
Thành phố đã xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trình Bộ Nội vụ thống nhất thông qua.
Theo đó, sau khi thực hiện việc sắp xếp, thành phố giữ nguyên 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã) và dự kiến giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã, chỉ còn 509 đơn vị bao gồm 321 xã, 168 phường, 20 thị trấn.
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết sau khi sắp xếp, thành phố sẽ phải thực hiện bố trí lại số lượng cán bộ, công chức dôi dư, trụ sở, tài sản công tương đối lớn.
Theo phương án sắp xếp, huyện Ba Vì nhập 3 xã thành 1 xã; huyện Chương Mỹ nhập 4 xã thành 2 xã; huyện Đan Phượng nhập 8 xã thành 4 xã; huyện Gia Lâm nhập 6 xã thành 3 xã.
Quận Đống Đa sẽ nhập 6 phường thành 4 phường; quận Hà Đông nhập 3 phường thành 1 phường; quận Hai Bà Trưng nhập 7 phường thành 4 phường.
Quận Ba Đình sẽ nhập phường Nguyễn Trung Trực và phường Trúc Bạch thành đơn vị hành chính mới.
Cũng theo tìm hiểu, UBND quận Cầu Giấy đã hoàn thiện dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn quận.
Theo đó, UBND quận Cầu Giấy đề xuất điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, dân số của phường Yên Hòa và một phần diện tích tự nhiên, dân số phường Dịch Vọng vào phường Quan Hoa (có diện tích tự nhiên là 0,89km2, đạt 16,15% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 34.070 người, đạt 227,13% so với tiêu chuẩn)...
Đặc biệt, lý do đề xuất không sáp nhập quận Hoàn Kiếm vì đây là là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của TP. Hà Nội. Quận có địa giới hành chính ổn định, hình thành trước năm 1945, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa… gắn với truyền thống lịch sử hình thành của thành Đại La, Thăng Long, Đông Đô.
Khu phố cổ gồm 10 phường có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời cần được bảo tồn, gìn giữ. Cùng với đó là nhiều di tích, danh lam thắng cảnh đặc biệt. Tên của quận Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thuyết trả gươm sau chiến tranh giải phóng dân tộc của Vua Lê Thái Tổ.
Kinh tế quận Hoàn Kiếm trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng cao, bền vững; cơ cấu kinh tế chủ yếu là thương mại, du lịch, dịch vụ. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hằng năm đều vượt so với kế hoạch thành phố giao (năm 2021, 2022 đạt hơn 14.000 tỷ đồng).
Nếu thực hiện sáp nhập sẽ mất đi các giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống và quá trình hình thành đô thị văn hóa lâu đời của Thăng Long – Hà Nội, đồng thời sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian tới.
>> Huyện sắp lên quận của Hà Nội chuẩn bị khởi công tuyến đường gần 8.000 tỷ đồng