Hà Nội: Công bố tình huống khẩn cấp với một loạt tuyến đê tại Mê Linh, Phúc Thọ, Gia Lâm
Trước tình trạng lún, nứt UBND TP. Hà Nội đã công bố tình huống khẩn cấp với tuyến đê tả Hồng đoạn qua huyện Mê Linh, huyện Gia Lâm và đê Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ). Thành phố cũng ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp tại các vị trí xảy ra lún, nứt thuộc các tuyến đê trên.
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ tả sông Hồng, tương ứng từ K42+790 đến K43+010 đê tả Hồng (huyện Mê Linh).
Theo đó, vị trí sạt lở bờ tả sông Hồng tương ứng từ K42+790 đến K43+010 với chiều dài khoảng 300m từ phạm vi cửa ra trạm bơm Văn Khê (xã Văn Khê, huyện Mê Linh) về phía hạ lưu.
Sạt lở bờ tả sông Hồng tại khu vực trên đã làm nứt nhà, đổ tường, đổ cây của 3 hộ dân sinh sống tại bờ sông.
Tại Quyết định này, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Lệnh xây dựng công trình "Xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở bờ tả sông Hồng trên địa bàn xã Văn Khê, huyện Mê Linh. Công trình có chiều dài xử lý khoảng 300m từ phạm vi cửa ra trạm bơm Văn Khê về phía hạ lưu với tổng chi phí đầu tư 35 tỷ đồng, nguồn vốn từ nguồn Ngân sách thành phố. Thời gian thi công công trình xong trước 30/5/2025, hoàn thành dự án trong năm 2025.
Sạt lở bờ tả sông Hồng tại thôn 4, thôn 5 xã Kim Lan, huyện Gia Lâm. |
UBND TP. Hà Nội cũng ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp nứt mặt đê Ngọc Tảo trên địa bàn huyện Phúc Thọ.
Theo đó, vị trí lún, nứt mặt đê tương ứng vị trí K7+510 đến K7+610 đê Ngọc Tảo, xã Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) với chiều dài khoảng 100m. Sự cố nứt mặt đê Ngọc Tảo tại vị trí trên đã phát triển cả chiều dài, chiều rộng, chiều sâu trong thời gian mưa bão số 3, gây nguy cơ mất an toàn cho tuyến đê Ngọc Tảo trên địa bàn các xã Ngọc Tảo, Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ). Đồng thời, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông trong khu vực xảy ra nứt đê.
UBND TP. Hà Nội cũng ban hành Lệnh xây dựng công trình "Xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng nứt mặt đê Ngọc Tảo, trên địa bàn xã Ngọc Tảo, Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ".
Công trình xử lý cung sạt mái đê có tổng chiều dài xử lý khoảng 200m, với chi phí đầu tư 12 tỷ đồng, nguồn vốn từ nguồn Ngân sách thành phố. Thời gian thi công công trình hoàn thành trước 30/5/2025. Hoàn thành dự án trong năm 2025.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ tả sông Hồng tại thôn 4, thôn 5 (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm) và ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để ngăn chặn sạt lở bờ sông.
Theo đó, vị trí sạt lở tại khu vực bờ tả sông Hồng tại thôn 4, thôn 5 (xã Kim Lan) chiều dài khoảng 450m.
Diễn biến sạt lở bờ tả sông Hồng đã xảy và mở rộng về hai phía, phát triển lấn sát vào nhà dân (cách nhà dân gần nhất khoảng hơn 4m), cung sạt thẳng đứng. Tình trạng sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản đang sinh sống tại khu vực (4 hộ đã phải di dời người và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở, 1 lán đã bị sạt lở xuống sông).
UBND TP. Hà Nội giao UBND các huyện Mê Linh, huyện Phúc Thọ, Gia Lâm phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đê bị lún, nứt. Đồng thời, thực hiện biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của vết nứt, có biện pháp không để nước mưa chảy vào các khe nứt, lún sụt.
>> Nhà thầu thi công gói 320 tỷ đồng chống sạt lở bán đảo Thanh Đa bị dừng hợp đồng
Đà Nẵng đề xuất khai thác đất tại ngọn đồi xảy ra sạt lở ở tuyến vành đai phía Tây
Bờ biển sạt lở, nguy cơ 'nuốt chửng' nhiều công trình quan trọng ở Quảng Ngãi