Hà Nội: Đề nghị hạn chế giao đất đấu giá cho cá nhân, ưu tiên giao cho tổ chức làm dự án
TP. Hà Nội đề nghị hạn chế giao đất đấu giá cho cá nhân tự xây nhà, ưu tiên giao cho tổ chức làm dự án để tăng hiệu quả sử dụng đất.
Ngày 20/9, Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Hà Nội đã gửi văn bản đến các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã về việc quản lý công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Thành phố yêu cầu hạn chế việc tổ chức đấu giá giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, thay vào đó ưu tiên đấu giá đất để thu tiền sử dụng hoặc cho thuê với đối tượng là tổ chức, nhằm thực hiện các dự án đầu tư.
Chỉ đạo này nhằm đảm bảo lựa chọn được các chủ đầu tư có đủ năng lực, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Chỉ đạo của Hà Nội được đưa ra trong bối cảnh thị trường đấu giá đất tại các huyện ven thành phố đang gây xôn xao.
Trong hơn một tháng qua, nhiều phiên đấu giá đã thu hút hàng nghìn hồ sơ tham gia, gấp nhiều lần số lô đất được bán ra.
>> Hà Nội: Nhà chục tỷ 'gồng mình chống nạng' trước nguy cơ đổ sập
Tại huyện Hoài Đức, hàng trăm nhà đầu tư tham dự phiên đấu giá kéo dài xuyên đêm, đẩy giá trúng của hơn chục lô đất lên trên 100 triệu đồng/m2. Đặc biệt, lô đất trúng cao nhất có giá hơn 133 triệu đồng/m2, gấp 18 lần mức khởi điểm.
Hiện trạng đấu giá và những bất cập trên thị trường
Thực tế cho thấy, nhiều thửa đất đấu giá tại các huyện ven Hà Nội dù đã được bán thành công trước đây nhưng vẫn chỉ là những cánh đồng trống, chưa được người mua xây dựng.
Theo báo cáo gửi Chính phủ của Bộ Xây dựng, bên cạnh lợi ích, hoạt động đấu giá đất cũng bộc lộ một số hạn chế và tiêu cực.
Bộ cho biết, một số nơi xuất hiện hiện tượng "cò đấu giá" thông đồng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia.
Tình trạng trả giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường, hoặc mua đi bán lại nhiều lần nhằm thu lợi bất chính, diễn ra phổ biến ở nhiều khu vực, thậm chí có tổ chức.
Trong vài tuần qua, các quận, huyện như Hà Đông, Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng đã chủ động dừng các cuộc đấu giá đất giao cho người dân tự xây dựng để rà soát lại quy trình, thủ tục theo đúng quy định pháp luật.
Biện pháp xử lý và định hướng mới của TP
Hà Nội yêu cầu UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền, sau đó công khai danh sách này trên trang thông tin của các huyện và Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT).
Đồng thời, công an thành phố được đề nghị áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm trong đấu giá đất, đề xuất giải pháp ngăn chặn những trường hợp trả giá trúng cao bất thường rồi bỏ cọc.
Sở TN&MT được giao nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất và phối hợp với các huyện để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xác định giá đất.
UBND TP. Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị tổ chức đấu giá đất cần xem xét kỹ việc quy định bước giá và hình thức đấu giá (như đấu nhiều vòng bắt buộc) để đảm bảo tính cạnh tranh, sát giá thị trường.
>> Bộ Xây dựng chỉ ra 5 điểm mấu chốt khiến giá nhà, đất 'tăng phi mã'
Cận cảnh trường đại học 5 sao đầu tiên tại Việt Nam
Viettel sắp xây trụ sở 1.300 tỷ cao 18 tầng tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam