Bất động sản

Lâm Đồng: Một thôn 'cõng' 4 quy hoạch, 200 hộ dân 'tiến thoái lưỡng nan'

Thanh Sơn 26/09/2024 13:35

Có đất không thể xây nhà hay nhà xuống cấp cũng không thể sửa chữa đang là tình trạng của 200 hộ dân tại thôn Tân Bình, xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng khi 'quy hoạch chồng quy hoạch'.

Một thôn "cõng" 4 quy hoạch chồng lấn

Thôn Tân Bình, xã Lộc Châu, nằm trên đường Tô Hiến Thành, cách trung tâm TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) khoảng 2,5km.

Thôn hiện có hơn 200 hộ dân với gần 600 nhân khẩu, chủ yếu dựa vào trồng cà phê, chè và một số loại cây ăn trái.

Tân Bình là thôn trung tâm của xã, tiếp giáp với phường Lộc Tiến, có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên trong vòng hơn 10 năm qua, thôn Tân Bình phải "cõng" cùng lúc 4 quy hoạch chồng lấn, gây khó khăn trong việc xây dựng, sửa chữa nhà ở và tách thửa đất, khiến cuộc sống người dân rơi vào bế tắc.

Lâm Đồng: Một thôn 'cõng' 4 quy hoạch, 200 hộ dân 'tiến thoái lưỡng nan'
Một thôn với 200 hộ dân tại TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng hiện đang phải "cõng" 4 quy hoạch. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Theo đó, thôn Tân Bình hiện nay đang chịu ảnh hưởng của 4 quy hoạch lớn: Dự án Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Khu dân cư Tân Bình, quy hoạch sinh thái núi Sa Pung và vành đai xanh đường tránh phía Nam TP. Bảo Lộc. Những quy hoạch này bao trùm gần hết diện tích đất ở và đất sản xuất nông nghiệp, khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

>> Hà Nội: Nhà chục tỷ 'gồng mình chống nạng' trước nguy cơ đổ sập

Đặc biệt, nhiều hộ dân có nhu cầu tách thửa, xây mới hoặc sửa chữa nhà nhưng đều rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan".

Ông Vũ Văn Vân - Chủ tịch UBND xã Lộc Châu, cho biết hiện nay, cả 4 quy hoạch nêu trên hầu như bao trùm gần hết diện tích của thôn Tân Bình từ đất ở đến đất sản xuất nông nghiệp, gây nhiều khó khăn, bất cập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Trong đó đặc biệt là nhu cầu tách thửa đất, xây dựng, sửa chữa nhà ở bởi nhiều hộ dân muốn mở rộng nhà hoặc cho con đất khi lập gia đình ra ở riêng, nhưng đều lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" không thể tháo gỡ.

Lâm Đồng: Một thôn 'cõng' 4 quy hoạch, 200 hộ dân 'tiến thoái lưỡng nan'
Nhiều người dân rơi vào trường hợp nhà xuống cấp không thể sửa chữa, đường mở đến sát móng nhà. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Thời gian qua, địa phương đã tiếp nhận rất nhiều ý kiến của người dân địa phương về những khó khăn này với mong muốn được tháo gỡ, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Đơn cử như trường hợp của gia đình hộ dân Cao Văn Tiến (thôn Tân Bình) với 6 người sống trong một căn nhà cấp 4 đã xuống cấp ở gần khu quy hoạch Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Sau khi nhận tiền đền bù, bàn giao đất cho nhà trường triển khai dự án, gia đình ông Tiến đã đến mua đất ở của người thân ở cuối thôn Tân Bình. Tại mảnh đất vừa mua là đất ở nông thôn và có một căn nhà đã xuống cấp. Cuối năm 2023, do nhà thường xuyên bị dột, nên gia đình phải dỡ bỏ để xây nhà mới ổn định cuộc sống.

Thế nhưng, mới xây xong phần móng thì chính quyền xuống làm việc yêu cầu tạm dừng thi công do vướng quy hoạch.

"Có đất mà không được xây nhà, nên cả 6 người trong gia đình tôi phải ở nhờ nhà bà con từ đó đến nay đã gần 1 năm. Nhà nước yêu cầu, mình là người dân nên phải chấp hành. Nhưng hiện tại, gia đình tôi không chỗ nào để đi, cũng chẳng có nhà để về, mong rằng chính quyền các cấp sớm xem xét tháo gỡ để gia đình được xây dựng nhà, sớm ổn định cuộc sống", ông Tiến bày tỏ.

Không chỉ riêng ông Tiến, hiện toàn thôn Tân Bình có khoảng 15 hộ dân có nhà cửa bị xuống cấp cần sửa chữa hoặc xây mới nhưng do vướng quy hoạch nên không thể triển khai.

Ông Lôi Văn Lực, có nhà nằm trong quy hoạch Trường Đại học Tôn Đức Thắng, ngậm ngùi: "Căn nhà cấp 4 chỉ rộng chưa đầy 60m2 làm bằng ván gỗ và tường gạch bao quanh, xây dựng hàng chục năm nay hiện đã xuống cấp trầm trọng. Mưa xuống ẩm thấp, lại bị nước mưa dột tứ bề, nhưng gia đình cũng chỉ mua vài tấm tôn gác tạm để chống dột. Tình trạng này xảy ra hơn 10 năm nay khiến cuộc sống gia đình tôi cùng nhiều hộ dân khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Diện tích đất của gia đình tôi có 400m2, với 100m2 được cấp đất ở ngay trước mặt tiền đường Tô Hiến Thành. Gia đình đã làm đơn gửi chính quyền để xây dựng nhà, nhưng do vướng quy hoạch nên không được chấp thuận. Người dân chúng tôi mong rằng, nếu nằm trong quy hoạch thì sớm đền bù để bà con đi tìm chỗ ở mới. Còn không thì phải để người dân xây dựng, sửa chữa lại nhà ổn định cuộc sống".

Ông Nguyễn Mạnh Toàn - Trưởng thôn Tân Bình cho biết do đất vướng quy hoạch nên nông dân không dám trồng cây lâu năm có giá trị như sầu riêng, măng cụt, cà phê… vì không biết cơ quan chức năng thu hồi khi nào.

"Mọi chuyện cứ lấp lửng rất khó xử. Nhiều hộ trong thôn có nhu cầu tách thửa để chia cho con nhưng không thể thực hiện. Một số hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có nhu cầu vay vốn để đầu tư, phát triển kinh tế nhưng không được chấp nhận", ông Toàn cho biết.

Quy hoạch nhiều nhưng đều "không tới"

UBND TP. Bảo Lộc cho biết, quy hoạch Trường ĐH Tôn Đức Thắng được phê duyệt vào năm 2010 và được điều chỉnh vào năm 2014 với diện tích điều chỉnh hơn 40ha.

Diện tích này hiện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và đã triển khai dự án.

Năm 2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chấp thuận ranh giới, diện tích đất thu hồi, giao bổ sung cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng 7,5ha.

Lâm Đồng: Một thôn 'cõng' 4 quy hoạch, 200 hộ dân 'tiến thoái lưỡng nan'
Các hộ dân lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Ảnh: TTXVN

Đến nay việc giải phóng mặt bằng phần diện tích này chưa hoàn tất do người dân chưa đồng thuận về giá trị bồi thường.

Trong khi đó, quy hoạch Khu sinh thái núi Sa Pung được xem là công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng với quy mô 432ha.

Hiện nay, phạm vi dự án còn một phần diện tích nằm trong quy hoạch khai thác quặng nên chưa hoàn tất thẩm định phê duyệt.

Quy hoạch vành đai xanh đường tránh phía nam TP Bảo Lộc được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt có xác định hành lang xanh mỗi bên 50m.

UBND TP. Bảo Lộc đang thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung.

Đối với quy hoạch chi tiết dọc đường Tô Hiến Thành, UBND TP Bảo Lộc đang thực hiện rà soát các đồ án quy hoạch để thực hiện điều chỉnh theo quy định.

Các dự án vẫn đang trong thời gian "rà soát"

Hiện nay, UBND xã Lộc Châu đã báo cáo UBND TP. Bảo Lộc xem xét, xử lý kiến nghị của người dân. UBND TP. Bảo Lộc đang giao Phòng Quản lý Đô thị cùng các đơn vị liên quan phối hợp kiểm tra, rà soát, tham mưu giải quyết các kiến nghị.

Trong đó, nếu quy hoạch nào không thực hiện sẽ kiến nghị hủy bỏ, quy hoạch nào thực hiện sẽ đẩy nhanh bồi thường để người dân ổn định cuộc sống.

Theo UBND TP. Bảo Lộc, các dự án quy hoạch tại thôn Tân Bình như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Khu du lịch sinh thái núi Sa Pung, đường tránh phía Nam TP. Bảo Lộc đều đang trong quá trình rà soát, điều chỉnh.

Việc kéo dài thời gian thực hiện và chưa có phương án giải quyết cụ thể đang đẩy cuộc sống của hàng trăm hộ dân vào tình cảnh khó khăn.

>> Bộ Xây dựng chỉ ra 5 điểm mấu chốt khiến giá nhà, đất 'tăng phi mã'

Tỉnh có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam phát 'báo động đỏ' với loạt công trình lớn do ảnh hưởng của siêu bão

Cận cảnh căn nhà dựng từ 500 khối gỗ lim nguyên khối tuổi đời 900 năm giữa thành phố lịch sử huyền thoại của Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lam-dong-mot-thon-cong-4-quy-hoach-200-ho-dan-tien-thoai-luong-nan-250478.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Lâm Đồng: Một thôn 'cõng' 4 quy hoạch, 200 hộ dân 'tiến thoái lưỡng nan'
POWERED BY ONECMS & INTECH