Bộ Xây dựng chỉ ra 5 điểm mấu chốt khiến giá nhà, đất 'tăng phi mã'
Bộ Xây dựng cho rằng nguyên nhân khiến giá BĐS tại một số khu vực tăng cao trong thời gian gần đây xuất phát từ nhiều yếu tố như sự gia tăng chi phí đất đai, giá đấu thầu trúng cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, hiện tượng "thổi giá" và "tạo giá ảo" của giới đầu cơ, cùng tình trạng thiếu nguồn cung.
Chi phí đất đai tăng cao
Theo Bộ Xây dựng, một trong những nguyên nhân chính khiến giá bán bất động sản (BĐS) tăng là sự biến động trong chi phí liên quan đến đất đai, đặc biệt khi các phương pháp tính và bảng giá đất mới được áp dụng.
Tại một số địa phương, hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm đã xuất hiện.
Việc quản lý và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại một số khu vực còn chưa chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập các hội, nhóm để tham gia đấu giá, trả giá cao, nhưng sau đó bỏ cọc nhằm mục đích tạo ra mặt bằng giá ảo, trục lợi từ chênh lệch giá.
>> Hà Nội sẽ mạnh tay xử lý sau khi công khai người 'thao túng' thị trường đất đấu giá
Tình trạng này không chỉ đẩy giá đất và giá nhà ở lên cao tại các khu vực lân cận, mà còn làm tăng chi phí thực hiện dự án nhà ở, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và dẫn đến giảm nguồn cung trên thị trường, từ đó tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Hiện tượng "thổi giá" của giới đầu cơ
Một nguyên nhân khác là hiện tượng "thổi giá", "tạo giá ảo" của giới đầu cơ và các cá nhân hoạt động môi giới BĐS.
Những người này lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, kích thích đầu tư theo tâm lý đám đông nhằm trục lợi.
Nhiều cá nhân hành nghề môi giới không có chứng chỉ, thiếu chuyên môn và hiểu biết pháp luật, gây ra tình trạng "làm giá", thao túng thị trường và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản, gây thiệt hại cho khách hàng.
Nguồn cung khan hiếm
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung, đặc biệt là nhà ở cho người có thu nhập thấp và trung bình tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM.
Nguyên nhân là do các quy định pháp luật trong Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023 vẫn còn nhiều vướng mắc, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án.
Khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn
Ngoài ra, việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng và nguồn vốn từ phát hành trái phiếu cũng gặp khó khăn.
Nhiều dự án đã phải tạm dừng hoặc chậm tiến độ do thiếu vốn. Dù các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023 đã được ban hành và có hiệu lực nhưng việc thực thi các quy định mới vẫn cần thời gian để thẩm thấu và áp dụng vào thực tiễn.
Tâm lý "trú ẩn" vào BĐS
Cuối cùng, sự biến động của nền kinh tế trong thời gian qua, đặc biệt trên các thị trường chứng khoán, trái phiếu và vàng đã tác động đến tâm lý của người dân và nhà đầu tư. Điều này dẫn đến xu hướng dịch chuyển dòng tiền vào bất động sản như một kênh đầu tư an toàn, khiến giá nhà và đất tiếp tục tăng.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng trong quý II năm nay, giá rao bán căn hộ chung cư tại một số dự án ở Hà Nội đã tăng đáng kể.
Cụ thể, giá chung cư tại khu đô thị Royal City tăng 33%, The Pride tăng 33%, Mỹ Đình Sông Đà - Sudico tăng 32% và Vinhomes West Point tăng 28%.
Một số khu đô thị cũ như Trung Hòa - Nhân Chính cũng ghi nhận mức tăng 25%, trong khi chung cư tái định cư tại Nam Trung Yên tăng 20%.
>> Đô thị đặc biệt nhất Việt Nam sẽ kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất trên toàn TP
Dự án đường bộ lớn nhất Đông Nam Bộ đi qua những tỉnh thành nào?
Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu phương án làm tàu điện ngầm kết nối sân bay 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam