Ngày 30/12, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Lễ công bố nhãn hiệu tập thể “Gạo Japonica hữu cơ Nam Phương Tiến, Chương Mỹ”.
Ngày 30/12, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Lễ công bố nhãn hiệu tập thể “Gạo Japonica hữu cơ Nam Phương Tiến, Chương Mỹ”. Đây là thương hiệu gạo Nhật chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thứ 3 mà Hà Nội xây dựng thành công
Phát biểu tại lễ, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, trong năm 2021, Trung tâm đã triển khai xây dựng được 25 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn tại 22 xã thuộc 10 huyện trên địa bàn TP với tổng diện tích 1.370ha. Bao gồm: 60ha sản xuất theo hướng hữu cơ; 600ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 705ha sản xuất lúa an toàn, 5ha lúa thảo dược. Hiệu quả kinh tế sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao cao hơn so với lúa Khang dân 18 từ 10,3 - 43 triệu đồng/ha/vụ.
Bên cạnh công tác phát triển sản xuất, Trung tâm đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng nhãn hiệu tập thể gạo chất lượng cao cho các địa phương trên địa bàn TP để khẳng định thương hiệu gạo chất lượng cao của Hà Nội.
Trong 2 năm 2020 và 2021, Trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH thương mại và đầu tư S&D hỗ trợ xây dựng đươc 3 nhãn hiệu tập thể gạo Japonica và gạo chất lượng cao cho 3 xã thuộc 3 huyện là: “Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến - Chương Mỹ”, “Gạo Japonica Mỹ Thành - Mỹ Đức”, “Gạo chất lượng cao Bình Minh - Thanh Oai”.
Đáng ghi nhận, việc đẩy mạnh sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực Thủ đô; nâng cao năng lực cán bộ, nhận thức của người dân Thủ đô về phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, VietGAP, hữu cơ, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mặt khác, còn tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng cũng như có khả năng cạnh tranh trên thị trường và đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, còn góp phần nâng cao được nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nông dân về sử dụng đất, nước, giảm dùng phân bón hóa học, hoá chất, bảo tồn nguồn thiên địch, cân bằng hệ sinh thái.
Bà Hoàng Thị Hoà cũng cho biết, sau 2 năm triển khai Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica, lúa chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu, mặc dù nguồn kinh phí được cấp thấp hơn so với phê duyệt nhưng nội dung vẫn được triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Cụ thể, giá trị bình quân đạt gần 61,7 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với sản xuất lúa chất lượng Bắc thơm số 7 là 15 triệu đồng/ha, tổng hiệu quả kinh tế của sản xuất 2.641 ha lúa Japonica đạt 80.550 triệu đồng.
Đến nay, diện tích lúa Japonica của TP đã tăng gấp 2,55 lần (năm 2018 là 3.651 ha, đến năm 2020 là 9.310ha) mà tiêu biểu như năm 2018 huyện Ứng Hòa có 2.282ha, huyện Mỹ Đức có 179ha, huyện Chương Mỹ có 52,6ha Japonica thì đến năm 2020 huyện Ứng Hòa có 4.009ha, huyện Mỹ Đức có 861ha, huyện Chương Mỹ có 1.454ha…
Kết quả phát triển sản xuất lúa Japonica nói riêng và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu nói chung đã góp phần đưa cơ cấu giống lúa chất lượng cao của Hà Nội năm 2020 đạt 54,7%, năm 2021 đạt 60,9%.
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, với mục tiêu hướng tới sản xuấ gạo, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 cơ cấu giống lúa chất lượng toàn TP đạt trên 80%. Qua đó, duy trì và phát triển 80 - 100 cùng sản xuât lúa Japonica và lúa hàng hoá chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. TP hỗ trợ phát triển công nghệ sấy, sơ chế, chế biến, bảo quản gạo giống Japonica nhằm nâng cao giá trị sản phẩm gạo Hà Nội. Hình thành thêm ít nhất 2 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm gạo Hà Nội nhằm mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica chất lượng cao, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Tại buổi lễ, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) và lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội đã trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến - Chương Mỹ” cho Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến.