Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới lao đao vì khủng hoảng thiếu gạo: Phải mở kho dự trữ khẩn cấp, giá cao ngất ngưởng, mỗi người chỉ được mua một bao
Cuộc khủng hoảng gạo của Nhật Bản đã nghiêm trọng đến mức mặt hàng lương thực thiết yếu này bắt đầu biến mất khỏi kệ của các siêu thị và giá đã tăng gấp đôi kể từ mùa hè năm ngoái.
Hiện thực phũ phàng với siêu cường thế giới
Gạo là yếu tố thiết yếu trong văn hóa, truyền thống và chính trị Nhật Bản. Người dân tại nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới tự hào với loại gạo Japonica hạt tròn dính, vốn vẫn là lương thực chủ yếu mặc dù tổng mức tiêu thụ đã giảm qua các thập kỷ.
Tuy nhiên, kể từ mùa hè năm ngoái, giá gạo ở Nhật Bản đã tăng vọt khi nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Chính phủ từ lâu đã trả tiền cho nông dân để cắt giảm diện tích trồng lúa và chuyển sang cây trồng khác nhằm giữ giá gạo ở mức cao.

Để đối phó với tình trạng thiếu hụt trong năm nay, Chính phủ Nhật Bản đã giải phóng kho dự trữ gạo. Nhưng việc phân phối lượng gạo đó đến các siêu thị diễn ra chậm chạp. Sự phẫn nộ vì điều này là một phần lý do khiến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nhật Bản từ chức trong tuần này.
Người tiêu dùng đang thất vọng và tự hỏi: Gạo đâu rồi?
Tại sao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp từ chức?
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nhật Bản Taku Eto đã từ chức hôm thứ Tư (21/5) sau khi gây ra làn sóng chỉ trích bởi tuyên bố rằng ông “chưa bao giờ phải mua gạo” vì những người ủng hộ ông thường tặng gạo làm quà.
Phát ngôn này bị xem là hoàn toàn xa rời thực tế của người dân bình thường đang vật lộn để mưu sinh và có đủ tiền mua gạo. Dù đã xin lỗi, ông Eto vẫn buộc phải từ chức như một biện pháp kiểm soát thiệt hại do Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba thực hiện, trong bối cảnh Chính phủ thiểu số của ông đang đối mặt với thách thức lớn trong cuộc bầu cử quốc gia sắp tới vào tháng 7.

Người kế nhiệm ông Taku Eto là cựu Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi, người từng tham gia cải cách hệ thống nông nghiệp vốn có ảnh hưởng lớn tại Nhật Bản. Ông được giao nhiệm vụ điều tra và giải quyết vấn đề lúa gạo tại “đất nước mặt trời mọc”.
Chuyện gì đang xảy ra với gạo ở Nhật Bản?
Gạo bắt đầu biến mất khỏi các kệ siêu thị và giá đã tăng gấp đôi kể từ mùa hè năm ngoái tại Nhật Bảnkhi một cảnh báo về khả năng xảy ra “siêu động đất” khiến người dân đổ xô tích trữ.
Loại gạo cao cấp nhất “Koshihikari” hiện được bán với giá gần 5.000 yên cho mỗi bao 5kg, tức hơn 182.000 đồng/kg. Lượng dự trữ gạo tại Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Bản (JA) và các nhà phân phối khác đã giảm 400.000 tấn so với cùng kỳ năm trước, xuống mức thấp kỷ lục 1,53 triệu tấn tính đến tháng 6, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp nước này.
Cảm giác cấp bách đang gia tăng khi vụ mùa mới vừa được gieo trồng, trong khi phải vài tháng nữa mới thu hoạch.
Tại sao Nhật Bản thiếu gạo và giá tăng mạnh?
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cam kết sẽ đưa giá gạo trung bình về khoảng 3.000 yên cho mỗi bao 5kg, tức hơn 109.000 đồng/kg.
“Chúng tôi không biết vì sao vẫn chưa thể kéo giá gạo xuống”, ông Ishiba nói khi bị chất vấn tại Quốc hội hôm thứ 21/5. “Trước tiên chúng tôi sẽ xác định chính xác có bao nhiêu gạo và chúng đang ở đâu”.
Ông thừa nhận các biện pháp hiện tại không hiệu quả và đổ lỗi cho “những vấn đề mang tính cơ cấu” trong chính sách lúa gạo của Chính phủ.

Các chuyên gia cho rằng làn sóng mua gạo tích trữ mùa hè năm ngoái chỉ làm trầm trọng thêm những vấn đề tồn tại lâu nay. Lượng khách du lịch tăng mạnh và xu hướng ăn ngoài nhiều hơn đã khiến nhu cầu tăng cao ở “xứ sở hoa anh đào”.
Một số người bắt đầu ăn nhiều gạo hơn sau khi giá bánh mì và mì ống tăng do cuộc xung đột Nga - Ukraine đẩy giá lúa mì lên cao. Vụ mùa năm 2023 cũng kém chất lượng do thời tiết nóng và sâu bệnh.
Đáng nói, chuỗi cung ứng gạo của Nhật Bản rất phức tạp. Hầu hết nông dân vẫn bán gạo thông qua hệ thống truyền thống do Hợp tác xã Nông nghiệp (JA) điều hành - một nhóm lợi ích lớn có quan hệ mật thiết với Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều gạo được bán qua các kênh khác và trực tuyến, khiến việc theo dõi nguồn cung và giá cả trở nên khó khăn, theo ông Masayuki Kanamori, Giám đốc một liên hiệp thuộc JA cho biết.
Ông Kanamori nói rằng tình trạng thiếu hụt đã khiến JA bất ngờ. “Nhìn lại thì tình trạng thiếu gạo hiện nay là điều không thể lường trước. Chúng tôi rất bối rối”, ông nói.
Mỗi khách hàng chỉ được mua một bao gạo mỗi lần
Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đã bị chỉ trích vì chậm trễ trong việc tung ra nguồn gạo dự trữ khẩn cấp (thường được giữ để đối phó thiên tai) và đánh giá sai cung - cầu. Cho đến nay, chỉ 10% lượng gạo từ nguồn dự trữ được đưa ra thị trường, làm dấy lên nghi ngờ.
Ông Koizumi hôm 22/5 đã thông báo kế hoạch chuyển sang hợp đồng tự nguyện với Chính phủ nhằm kiểm soát giá gạo tốt hơn và sẽ gỡ bỏ trần giá trong lần bán tới.
Một vấn đề tiềm ẩn nữa là việc thiếu năng lực xay xát để biến lượng gạo lứt dự trữ thành gạo trắng nguyên chất mà người Nhật ưa chuộng. Tuy nhiên, cũng có cáo buộc rằng một số nhà phân phối đang tích trữ gạo để đẩy giá lên.
Cho đến nay, Chính phủ vẫn chưa điều tra sâu và từ chối giải phóng thêm kho gạo dự trữ vì lo sợ giá sẽ giảm, theo ông Kazuhito Yamashita, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu Canon.
Ông cho biết Nhật Bản có thể tránh được vấn đề này bằng cách cho phép trồng nhiều lúa hơn và xuất khẩu nhiều hơn nếu có thặng dư.
“Việc cắt giảm diện tích trồng lúa đi ngược với an ninh lương thực - một chính sách tai hại”, ông Yamashita nói. Ông cho rằng chính sách đó chỉ có lợi cho JA vì giúp các nông dân nhỏ lẻ duy trì hoạt động.
Trong khi đó, nông dân phải vật lộn với chi phí tăng cao lại cho rằng giá gạo hiện nay không phải quá cao.
Cuối cùng, Nhật Bản sẽ cần tìm ra một chiến lược dài hạn, vì tuổi trung bình của nông dân hiện là 69 và dân số làm nông đã giảm một nửa trong 20 năm qua, còn 1,1 triệu người vào năm 2024.
Bà Hiromi Akaba, sống tại Kawasaki, gần Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) nói rằng bà buộc phải mua gạo với giá hiện tại. Nhưng người phụ nữ này nói thêm: “Nếu tình trạng này tiếp diễn, chúng tôi sẽ ngừng ăn gạo. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi trong việc tiêu thụ gạo”.
Đáng chú ý, nhiều cửa hàng ở Nhật Bản hiện nay chỉ cho phép mỗi khách mua một túi gạo mỗi lần.
Bất chấp nguyên nhân gây thiếu hụt, các nhà bán lẻ vẫn phải trưng bày gạo lên kệ. Do đó, một số đã chuyển sang nhập khẩu gạo, điều vốn thường không được người mua sắm khó tính ở Nhật Bản ưa chuộng.
Tập đoàn siêu thị lớn Aeon Co. dự định bán gạo Japonica “Calrose” trồng ở Mỹ tại 600 cửa hàng ở các thành phố lớn từ tháng sau. Một bao Calrose 4kg sẽ được bán với giá 2.894 yên (gần 527.000 đồng). Aeon sẽ mua 1,4 tấn gạo để dự trữ cho đến vụ thu hoạch mùa thu, ông Hirokazu Satou, đại diện truyền thông của Aeon cho biết.
Trước đây, Aeon từng bán Calrose trộn với gạo Nhật, nhưng lần này sẽ là lần đầu tiên họ bán những bao gạo 100% Calrose, với gợi ý như dùng làm cơm chiên. Ý tưởng là giữ cho người dân tiếp tục ăn gạo, ông Satou nói, vì ông lo rằng họ có thể sẽ từ bỏ thói quen này.
“Chúng tôi lo rằng tình trạng thiếu gạo kéo dài và giá cao sẽ đẩy nhanh xu hướng đó. Chúng tôi không muốn điều ấy xảy ra”, ông nói.
Theo Jakarta Globe