Hà Nội thiếu 11.000 giáo viên: 'Giai đoạn thực sự khó khăn cho ngành giáo dục'
Thiếu biên chế giáo viên ở các trường công lập tại Hà Nội là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và đề nghị sớm có giải pháp khắc phục.
Vấn đề này được các đại biểu đưa ra tại Phiên họp giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông TP Hà Nội do Thường trực HĐND tổ chức mới đây.
Đặt vấn đề tại phiên giải trình, đại biểu Duy Hoàng Dương, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đề nghị Sở Nội vụ làm rõ trình trạng thiếu giáo viên; việc quản lý, tuyển dụng biên chế giáo dục để đảm bảo chất lượng giáo viên trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, cho hay, tình trạng biên chế thiếu giáo viên là vấn đề xảy ra nhiều năm nay, là vấn đề bức xúc của các cơ quan, đơn vị và Sở Nội vụ cũng đã tham mưu nhiều giải pháp.
Hiện nay, số biên chế giáo dục được giao năm 2023 là 97.594; số hiện có là 90.675 và chưa sử dụng là 6.919. Với số thiếu 6.919 biên chế này, các đơn vị cũng đã rất tích cực trong việc tuyển dụng viên chức trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc chưa sử dụng số biên chế này do 2 lý do.
Lý do thứ nhất, tuyển dụng chưa đạt chỉ tiêu được giao, như có những đơn vị, số ứng viên trúng tuyển chỉ đạt 75%. Thứ hai, các đơn vị được giữ lại tỉ lệ tinh giản biên chế 2% theo lộ trình. Đó là những lý do mà còn biên chế nhưng chưa được tuyển.
Ngoài ra, theo bà Liễu, số biên chế này vẫn thiếu nếu so với định mức của Bộ GD-ĐT quy định. Sở Nội vụ Hà Nội cũng đã báo cáo Trung ương giao bổ sung chỉ tiêu.
“Ngay sau khi được giao chỉ tiêu, Sở Nội vụ đã trình HĐND TP Hà Nội phân bổ cho các đơn vị theo đúng tỉ lệ 30% tương ứng cho các quận, huyện thiếu và các đơn vị đã sử dụng có hiệu quả”, bà Liễu nói.
Theo bà Liễu, năm học 2023-2024, theo thống kê thiếu 10.915 giáo viên, Sở Nội vụ đã tham mưu TP báo cáo Trung ương giao 8.900 chỉ tiêu và đang được xem xét. “Sở sẽ tiếp tục bám sát các cơ quan, bộ, ngành để tham mưu, tổng hợp, để làm sao đảm bảo chỉ tiêu bổ sung tối đa”.
Đại diện Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, thời gian qua, Sở cũng đã tham mưu TP ban hành quy định phân cấp cho thủ trưởng các sở, ngành, quận, huyện được chủ động trong công tác tuyển dụng viên chức; cân đối biên chế viên chức trong toàn TP, trong đó ưu tiên cho giáo dục.
“Tuy nhiên, từ năm 2022-2023, không thể cân đối được nữa, nên Sở Nội vụ đã tham mưu cắt giảm cơ học 2% biên chế giáo dục. Giai đoạn này thực sự khó khăn cho ngành giáo dục”, bà Liễu thông tin.
Theo bà Liễu, trước những khó khăn về tình trạng thiếu giáo viên, Sở Nội vụ đang tham mưu và triển khai cùng Sở GD-ĐT nhiều giải pháp. Như tham mưu HĐND TP ban hành Nghị quyết về việc bổ sung chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, các đơn vị tự chủ dưới 10% được ký 70% hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế thiếu do định mức được giao. Các đơn vị tự chủ trên 70% được chủ động ký hợp đồng lao động từ nguồn thu.
“Cơ chế này đã tháo gỡ được một số khó khăn cho các đơn vị. Nghị quyết 18 giao 3.112 chỉ tiêu lao động hợp đồng năm 2023 cho các cơ sở. Hiện nay, các cơ sở cũng đã tiến hành ký hợp đồng lao động với giáo viên để đáp ứng yêu cầu của năm học mới. Đồng thời, chúng tôi cũng hướng dẫn các đơn vị ký hợp đồng với một số vị trí như nhân viên y tế ở các cơ sở, trạm y tế hay giáo viên thỉnh giảng theo tiết với một số bộ môn còn thiếu giáo viên. Đây là những giải pháp mà các đơn vị đang triển khai rất hiệu quả”.
Cùng đó, Sở Nội vụ cũng phối hợp với Sở GD-ĐT đề xuất giải pháp nâng mức tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục - đào tạo. “Năm 2023, Sở GD-ĐT đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Sở Nội vụ tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập sử dụng ngân sách nhà nước của TP Hà Nội.
Đến nay, qua thống kê, có 296 đơn vị đăng ký thí điểm năm học 2023-2024, trong đó, 118 trường thuộc Sở GD-ĐT, 178 trường thuộc các quận, huyện, thị xã.
Theo cơ chế này, năm 2023, các đơn vị sẽ nâng mức tự chủ; năm 2024, các đơn vị sẽ tự chủ chi thường xuyên và khi đó gần 15 nghìn người sẽ chuyển hưởng lương từ ngân sách nhà nước sang hưởng lương tự chủ. Sau thí điểm, nếu được triển khai chính thức, đơn giá này được triển khai diện rộng, giải pháp này sẽ được thực hiện căn cơ và giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên.
“Giải pháp tiếp theo là cho phép các quận, huyện, thị xã tiếp tục được tuyển dụng giáo viên. Với một số môn học không tuyển được hoặc giáo viên chưa đạt chuẩn, chúng tôi tham mưu UBND TP Hà Nội đặt hàng đào tạo cử nhân sư phạm theo Nghị định 116 của Chính phủ.
Trên cơ sở rà soát, đề xuất của các quận, huyện, thời gian tới dự kiến giao khoảng 697 chỉ tiêu đào tạo sinh viên sư phạm cho Trường ĐH Thủ đô và các sinh viên khi ra trường đáp ứng yêu cầu sẽ được tăng cường tuyển dụng về các cơ sở giáo dục đã đăng ký”, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thông tin.
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố xin ý kiến về đề xuất một số chính sách đặc thù để tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang dự kiến đề xuất cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế nhưng thiếu nguồn tuyển dụng được tuyển dụng sinh viên, giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy các môn học Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các giáo viên này sau khi được tuyển dụng phải tham gia lộ trình nâng chuẩn để đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.
Quy trình tuyển dụng đối tượng này thực hiện theo quy định của Chính phủ. Các chế độ, chính sách sau khi tuyển dụng được áp dụng các quy định của Chính phủ và Bộ GD-ĐT.
Việc tuyển dụng đối tượng này được thực hiện đến hết năm 2028, tức 2 năm trước khi kết thúc lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Nghị định 71 của Chính phủ để đến năm 2030 bảo đảm trình độ chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.
Bên cạnh đó, trên cơ sở thực tiễn trong quá trình thực hiện các quy định hiện hành của Luật Viên chức, Luật Giáo dục 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng, sử dụng viên chức (trong đó có viên chức ngành Giáo dục) và việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù trong việc tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật đã đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 nhằm thu hút, bổ sung nguồn tuyển dụng đối với các môn học này.
Bộ GD-ĐT sẽ nhận ý kiến đến trước ngày 24/10/2023.
Thúy Nga
Tháng 12/2024 trình quy hoạch xây lại tập thể trên đất vàng Ngọc Khánh, Giảng Võ
Doanh nghiệp bất động sản sàn HoSE trúng đấu giá khu đất rộng 21.000m2 tại Hà Nam