Hai bức tượng khổng lồ đều đạt kỷ lục châu Á và thế giới của Việt Nam thu hút một lượng rất lớn khách du lịch khi chưa hết tháng 2/2024.
Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tây Ninh, chưa hết tháng 2/2024, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đã đón hơn 1 triệu lượt khách tham quan, với doanh thu vé vào cổng đạt gần 10 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng trong 5 ngày tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua đã có hơn 541.000 lượt khách đi cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen để chiêm bái tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn và tượng Phật Di Lặc được cho là lớn nhất thế giới.
Dịp này, du khách đến tham quan núi Bà Đen còn được tham gia Hội xuân Núi Bà Đen 2024 với chủ đề “Hương sắc Tây Ninh”, được tổ chức đến hết tháng Giêng với nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật đặc sắc như múa trống Chhay-dăm, múa thực cảnh tại khu vực vườn cảnh quan và trình diễn nhạc nước hiện đại dưới chân tượng phật Di Lặc; tham gia hành lễ, thả hoa đăng nguyện ước…
Với nhiều sự kiện văn hoá, lễ hội được tổ chức, Tây Ninh kỳ vọng sẽ tạo đà để du lịch tỉnh nhà hoàn thành mục tiêu đón trên 5,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 2.300 tỷ đồng trong năm 2024.
Được biết, Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn tại núi Bà Đen được thiết kế dựa trên nguyên mẫu của tượng Phật thời Lê, chạm khắc tinh xảo. Xung quanh Tượng Phật Bà là bốn bức tượng Tứ Đại Thiên Vương bằng đồng.
Với tổng chiều cao 72m, được đúc bởi hơn 170 tấn đồng đỏ theo kỹ thuật công nghệ gia công cơ khí áp lực cao của Châu Âu, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn tại Tây Ninh đã xác lập kỷ lục “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Châu Á tọa lạc trên đỉnh núi” do tổ chức Kỷ lục Châu Á trao tặng. Công trình cũng đồng thời được tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng kỷ lục “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi”.
Bức tượng Phật Di Lặc khổng lồ nằm ở độ cao 900m trên đỉnh núi Bà Đen. Tượng có chiều cao 36m, chiều rộng lớn nhất 45m, diện tích bề mặt tượng 4.651m2, nặng 5.112 tấn, cổ đeo chuỗi Phật châu gồm 54 hạt.
Đại Tượng Phật Di Lặc được tạo hình theo một phương thức đặc biệt chưa từng có tại Việt Nam: ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên theo cảm hứng ruộng bậc thang. Từng viên đá sa thạch được lọc lựa kỹ lưỡng, kiểm tra màu, vân đá, và kích thước chuẩn xác, sau đó được điêu khắc theo mẫu thiết kế. Các viên đá sa thạch được xếp chồng lên nhau thành 54 lớp, mỗi viên đá ghép trung bình có chiều dài 100-120cm, cao bình quân 70cm, dày 50cm. Tổng khối lượng đá sa thạch sử dụng để ghép nên bức tượng là 2.025m3.
Tượng Phật Di Lặc được đặt trên địa hình đặc biệt, nằm trên đỉnh phân thuỷ có địa hình dốc lớn của núi Bà Đen. Trong điều kiện thời tiết trên đỉnh núi thường xuyên gió lớn, sương mù dày đặc, từng khâu trong quá trình xây dựng và chế tác tượng đều vô cùng phức tạp. Trong đó, định vị phần vỏ tượng và phần lắp đá là công đoạn phức tạp hơn cả. 120 nhân công đã thay phiên nhau làm việc từ sáng đến 21h và hoàn thiện công trình Đại tượng Phật trong khoảng thời gian 9 tháng.
So với những bức tượng Phật lớn nhất trên thế giới được kiến tạo từ đá, cả về chiều cao và trọng lượng, Đại tượng Phật Di Lặc tại Núi Bà Đen là bức Tượng Phật Di Lặc bằng đá sa thạch lớn bậc nhất thế giới.
>> Bên trong Đại tượng Phật Di Lặc bằng đá sa thạch 5.000 tấn nằm trên đỉnh núi cao nhất miền Nam