Hai cụm công nghiệp hơn 1.700 tỷ đồng tại ‘vựa lúa’ miền Bắc đã có chủ
UBND tỉnh yêu cầu các nhà đầu tư sau khi được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cần khẩn trương triển khai dự án, chú trọng công tác bảo vệ môi trường.
Theo Tạp chí Tài chính và Cuộc sống, UBND tỉnh Thái Bình vừa tổ chức cuộc họp Hội đồng đánh giá, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho hai Cụm công nghiệp (CCN) Ngô Xá (huyện Vũ Thư) và CCN Thụy Ninh (huyện Thái Thụy).
Cụ thể, liên danh CTCP Xây dựng Tổng hợp và Xuất nhập khẩu Hà Thành (Gelecon) và CTCP Đầu tư Hạ tầng Phúc Long đã được lựa chọn làm nhà đầu tư cho CCN Ngô Xá, với tổng diện tích hơn 74ha, trải dài trên địa bàn ba xã Nguyên Xá, Song An, Hòa Bình. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 861 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác vào quý III/2027.
Về các nhà đầu tư, Gelecon thành lập vào tháng 8/2010, có trụ sở tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là xây dựng nhà ở, ông Đỗ Ngọc Tú giữ vai trò Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Công ty có vốn điều lệ 300 tỷ đồng (theo lần điều chỉnh gần nhất vào tháng 5/2022). CTCP Đầu tư Hạ tầng Phúc Long thành lập vào tháng 4/2019, trụ sở tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và quyền sử dụng đất. Công ty có 10 cổ đông sáng lập, trong đó CTCP Giầy Thăng Long sở hữu 50%, Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây nắm 20%, các cá nhân như ông Nguyễn Thanh Tùng, Phạm Tuấn Hưng, Phan Minh Khánh nắm giữ phần còn lại. Hiện nay, công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, với ông Phan Minh Khánh giữ vai trò Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Đáng chú ý, Phúc Long cũng là chủ đầu tư của CCN Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), có quy mô gần 6ha, tổng mức đầu tư hơn 160 tỷ đồng.

Đối với CCN Thụy Ninh, dự án có quy mô 75ha tại xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, do liên danh CTCP Đầu tư Thụy Ninh Industrial và CTCP Đầu tư QH Land làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư vào khoảng 870 tỷ đồng, với thời gian thực hiện dự án trong 18 tháng kể từ khi Nhà nước bàn giao đất. Cả hai doanh nghiệp trong liên danh này đều do ông Trần Viết Thanh (sinh năm 1977) thành lập và sở hữu chi phối, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và kinh doanh quyền sử dụng đất.
>> Tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ quy hoạch 4 khu công nghiệp quy mô gần 4.000ha
Cụ thể, CTCP Đầu tư Thụy Ninh Industrial thành lập vào tháng 7/2024, trụ sở tại phường Đề Thám, TP. Thái Bình, có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trong đó ông Trần Viết Thanh nắm giữ 75%, ông Trần Viết Long (Giám đốc kiêm đại diện pháp luật) nắm 20% và bà Trần Thị Cẩm Vân nắm 5%. CTCP Đầu tư QH Land thành lập vào đầu năm 2019, trụ sở tại CCN Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng. Công ty do ba cổ đông sáng lập, gồm ông Trần Viết Thanh (65%), ông Phạm Việt Cường (Giám đốc kiêm đại diện pháp luật - 20%) và bà Nguyễn Ánh Nguyệt (15%). Hiện nay, QH Land có vốn điều lệ 65 tỷ đồng, với ông Trần Viết Thanh giữ chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Công ty này hiện cũng là chủ đầu tư của ba CCN tại Thái Bình, bao gồm CCN Hưng Nhân (45ha, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà), CCN Đức Hiệp (60ha, xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà) và CCN Cồn Nhất (70ha, xã Nam Bình, huyện Kiến Xương).
UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các nhà đầu tư sau khi được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cần khẩn trương triển khai dự án, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, nhằm thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Đồng thời, các đơn vị phải huy động nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đảm bảo tuân thủ thiết kế kỹ thuật và tiến độ đề ra.
Thái Bình được mệnh danh là "vựa lúa" của miền Bắc khi có truyền thống phát triển nông nghiệp lâu đời. Hiện nay, Thái Bình đã và đang đi theo hướng của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với định hướng phát triển công nghiệp là động lực; tương lai trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của cả vùng Đồng bằng sông Hồng.
>> Tuyến cao tốc 245km đi qua 5 tỉnh, thành phía Bắc sắp được ‘lên đời’