Hai di tích Đền Trần thuộc hai tỉnh Đồng bằng sông Hồng sẽ được kết nối bằng tuyến đường dài gần 15km
Đường nối đến hai Đền Trần trên địa bàn tỉnh Nam Định và Hà Nam là dự án giao thông quan trọng của hai địa phương đang được thúc tiến độ.
Đường nối đến hai Đền Trần trên địa bàn huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam và TP. Nam Định, tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 1A, qua cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (nút giao Liêm Sơn), giao với Quốc lộ 21A, Quốc lộ 21B, điểm cuối tại đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình. Trục đường này chạy theo dọc phía Nam và Đông tỉnh Hà Nam, kết nối hai di tích quốc gia đặc biệt là Đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần Hưng Đạo (tỉnh Nam Định).
Tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 1A đến hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình được chia làm 2 tuyến. Trong đó, tuyến 1 có chiều dài 32km, kết nối Quốc lộ 1 theo đường 495B (giai đoạn 1) với đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, Quốc lộ 21A, Quốc lộ 21B nối đến cầu Thái Hà, cầu Hưng Hà. Tuyến 2 với chiều dài 14,6km kết nối hai Đền Trần tại hai tỉnh là Hà Nam và Nam Định. Dự án có tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng và thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022-2025.
>> Tỉnh có số km cao tốc nhiều nhất Việt Nam sẽ có thêm 2 tuyến cao tốc mới
Về quy mô, tuyến đường nối hai Đền Trần với chiều dài 14,6km sẽ có 9,6km mặt cắt 68m (gồm 22 m đường và dải phân cách…), còn lại 5km có mặt cắt mặt đường 11m. Hiện tại, dự án đang thi công từ đoạn cầu Thái Hà đến xã Phú Phúc, tỉnh Hà Nam.
Ông Hán Thành Công - Chỉ huy trưởng công trường thi công đường nối hai Đền Trần (Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN.E&C) cho biết, chủ đầu tư bàn giao mặt bằng đến đâu, nhà thầu thi công đến đó. Tuy nhiên, một số điểm đơn vị thi công vẫn chưa nhận được bàn giao mặt bằng điều này gây khó khăn cho quá trình hoàn thành dự án khi tuyến đường phấn đấu thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2024 và hoàn thành tuyến đầu năm 2025.
Ngoài vướng mắc về mặt bằng, dự án còn gặp khó khăn về nguồn vật liệu cát để đắp nền do thiếu nguồn và giá cả tăng cao so với giá nhà nước quy định.
Đối với việc hoàn thành và đưa vào khai thác dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với Quốc lộ 21A, Quốc lộ 21B, đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình; kết nối hai di tích quốc gia đặc biệt là Đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần (tỉnh Nam Định) bằng đường bộ sẽ góp phần giảm tải giao thông cho Quốc lộ 1A, Quốc lộ 21, đường nối hai cao tốc khu vực Phủ Lý, Bình Lục, Lý Nhân. Đồng thời, dự án cũng góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào tỉnh, nhất là thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh thành, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
>> Tuyến đường hơn 800 tỷ đồng kết nối sân bay lớn nhất miền Bắc sẽ thông xe vào tháng 7
Tỉnh có số km cao tốc nhiều nhất Việt Nam sẽ có thêm 2 tuyến cao tốc mới
Đẩy nhanh tiến độ dự án đường bộ cao tốc CT.08 đoạn qua Nam Định, Thái Bình