Hai tỉnh này khi ‘về chung một nhà’ sẽ có cảng hàng không quốc tế và 52 khu công nghiệp
Hai tỉnh này đều thuộc khu vực Đông Nam Bộ.
Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW về phương án sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước sẽ hợp nhất thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện nay.
Sáng 29/4, HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ 27 (kỳ họp chuyên đề) biểu quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Đồng Nai năm 2025.
Kỳ họp cũng đã biểu quyết tán thành chủ trương hợp nhất hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai thành một tỉnh mới.
Theo tờ trình của UBND tỉnh Đồng Nai về kết quả lấy ý kiến cử tri, tại tỉnh Bình Phước có 97% số cử tri thống nhất chủ trương sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính với tỉnh Đồng Nai; tỉnh Đồng Nai có 95% số cử tri thống nhất chủ trương sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính với tỉnh Bình Phước.
Tỉnh Đồng Nai mới sau sáp nhập có diện tích hơn 12.700km2 , quy mô dân số hơn 4,2 triệu người.
Theo báo Đồng Nai, hiện Đồng Nai có 37 khu công nghiệp, nhiều nhất cả nước. Trong đó, có 32 khu công nghiệp có dự án hoạt động. Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai sẽ có 48 khu công nghiệp.
Nhờ hình thành sớm và không ngừng phát triển các khu công nghiệp, Đồng Nai trở thành điểm dừng chân của nhiều tập đoàn đa quốc gia và thương hiệu toàn cầu như: Cargill (Mỹ); Tripod, Formosa (Đài Loan); Nestlé (Thụy Sĩ), Hyosung, Changshin (Hàn Quốc), Ajinomoto, Lixil (Nhật Bản)...
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Ngoài ra, Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia – là một động lực quan trọng mang tính đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai cũng như các địa phương khác trong khu vực.
Dự án sân bay Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000 ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Sân bay đạt cấp 4F, hướng tới là một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực.
Dự án được chia thành 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng một đường băng và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, sân bay Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Bên cạnh đó, Bình Phước có 15 khu công nghiệp với diện tích 6.061ha và nhiều cụm công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng, giao thông kết nối vùng, cảng biển thuận lợi.
Theo quy hoạch của tỉnh Bình Phước, đến năm 2030, tổng diện tích đất khu công nghiệp của tỉnh đạt 18.105ha, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Như vậy, tỉnh Đồng Nai mới sau sáp nhập sẽ có 52 khu công nghiệp.
Tình Đồng Nai và Bình Phước đều thuộc khu vực Đông Nam Bộ. Những năm gần đây, Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp và đứng trong top đầu cả nước về phát triển kinh tế; còn tỉnh Bình Phước đang vươn lên phát triển năng động, cân bằng giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.
Thành lập tỉnh Đồng Nai trên cơ sở sáp nhập tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai sẽ tạo thế và lực mới trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; là điều kiện để tạo sự thay đổi về cơ cấu sản xuất, cơ cấu ngành nghề; tổ chức sinh hoạt xã hội; tổ chức không gian kiến trúc xây dựng; thu hút nguồn lực đầu tư; phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ.
>>Kinh tế của tỉnh sáp nhập xã, thôn nhanh nhất Việt Nam diễn biến ra sao trong tháng 4/2025?
Trước khi sáp nhập với Bình Phước, tỉnh này vừa đón tin vui
Người dân 2 tỉnh đồng thuận cao với chủ trương sáp nhập Bình Phước và Đồng Nai