Vĩ mô

Đo khoảng cách kinh tế của Đồng Nai và Bình Phước trước khi sáp nhập

Tâm An 16/04/2025 - 08:24

Trước khi sáp nhập tỉnh, cả Đồng Nai và Bình Phước đều là những địa phương phát triển mạnh về sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt, kinh tế Đồng Nai đạt được những con số ấn tượng trong những năm gần đây.

Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố. Trong đó, hợp nhất tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước, dự kiến lấy tên là tỉnh Đồng Nai; trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện nay.

Hai địa phương này thuộc khu vực Đông Nam Bộ. Những năm gần đây, Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp và đứng trong top đầu cả nước về phát triển kinh tế; còn tỉnh Bình Phước đang vươn lên phát triển năng động, cân bằng giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

Số liệu sơ bộ của Cục Thống kê cho thấy, quy mô GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) theo giá hiện hành năm 2023 của Đồng Nai đạt trên 448.978 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với quy mô GRDP tỉnh Bình Phước (99.748,3 tỷ đồng).

Đáng chú ý, nếu cộng GRDP của hai địa phương này thì Đồng Nai (tên dự kiến sau sáp nhập) sẽ lọt vào nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP đứng đầu ở nước ta với 548.726,3 tỷ đồng.

Trong cơ cấu GRDP của tỉnh Đồng Nai, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tới 58,5% và dịch vụ chiếm 24,5%, nông lâm thuỷ sản 9,7%.

Còn cơ cấu GRDP của Bình Phước có sự cân bằng giữa các khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, nông lâm thuỷ sản, chiếm tỷ trọng lần lượt 42,89%, 31,19% và 22,12%.

Tương tự như quy mô GRDP, thu ngân sách nội địa theo thống kê sơ bộ năm 2023, Đồng Nai đạt 40.498,3 tỷ đồng, gấp 3,7 lần số thu ngân sách nội địa của tỉnh Bình Phước (10.904,8 tỷ đồng).

Về GRDP bình quân đầu người cũng có sự chênh lệch lớn giữa hai địa phương này.

Theo đó, số liệu sơ bộ năm 2023, Đồng Nai đạt 135,6 triệu đồng/người/năm, cao hơn 32,7 triệu đồng so với mức bình quân của cả nước (102,9 triệu đồng/người/năm).

Trong khi đó, GRDP bình quân đầu người của Bình Phước chỉ đạt 95,4 triệu đồng/người/năm, thấp hơn 7,5 triệu đồng so với mức bình quân của cả nước và thấp hơn 40,2 triệu đồng so với mức bình quân của Đồng Nai.

Về vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cả hai địa phương đều là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp nước ngoài trong những năm gần đây.

Theo đó, số liệu sơ bộ năm 2023, Bình Phước có 48 dự án được cấp phép với vốn FDI đăng ký là 739,2 triệu USD, vốn thực hiện 399,9 triệu USD; Đồng Nai có 81 dự án được cấp phép, vốn FDI đăng ký là 467,3 triệu USD và vốn thực hiện cũng là 467,3 triệu USD.

Về xuất khẩu hàng hoá, thống kê sơ bộ từ Cục Hải quan, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đạt 21,62 tỷ USD, giảm 12% so với năm 2022 song vẫn xếp vị trí thứ 8 trong số các tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất ở nước ta.

Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2023 của Bình Phước tăng 13,1% so với năm 2022, đạt 4,7 tỷ USD.

(Bài viết sử dụng dữ liệu từ Tư liệu kinh tế - xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 2019-2023; số liệu trong Niên giám thống kê năm 2023 của Cục Thống kê; Báo cáo thống kê sơ bộ xuất nhập khẩu của Cục Hải quan).

>> 2 tỉnh thành giàu nhất Việt Nam sẽ kết nối bằng ‘siêu cầu’ 19.300 tỷ thay cho hầm vượt sông

Người dân có cần làm lại thẻ căn cước khi sáp nhập tỉnh, thành?

Sau sáp nhập, tỉnh này vừa là 'vùng đất bảy núi' huyền thoại vừa có thiên đường biển đảo hàng đầu thế giới

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/khoang-cach-kinh-te-cua-dong-nai-va-binh-phuoc-nhu-the-nao-truoc-khi-sap-nhap-2391520.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đo khoảng cách kinh tế của Đồng Nai và Bình Phước trước khi sáp nhập
    POWERED BY ONECMS & INTECH