Cung đèo dài nhất Việt Nam này nằm giữa TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày 7/11/2003, những người thợ khoan từ hai đầu Nam - Bắc của hầm đường bộ Hải Vân trên Quốc lộ 1A, đã chính thức gặp nhau, sau nhiều tháng làm việc khẩn trương. Hầm được khởi công ngày 27/8/2000 và khánh thành ngày 5/6/2005.
Được biết, đèo Hải Vân là ranh giới tự nhiên của TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đoạn đường bộ qua đèo Hải Vân dài gần 21km, trải qua dấu vết của thời gian và lịch sử cộng thêm địa hình phức tạp nên dù được nâng cấp, sửa chữa, mở rộng thì đây cũng là cung đường nguy hiểm đối với các lái xe.
Đặc biệt là vào mùa mưa bão thường xảy ra các vụ lở đá gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông làm thiệt hại nghiêm trọng về người và của.
Để góp phần giải quyết vấn đề an toàn giao thông cũng như bắt kịp yêu cầu hội nhập, phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm thực hiện đường hầm xuyên núi.
>> 'Rót' hơn 3.300 tỷ đồng xây hầm đường bộ cao nhất Việt Nam qua con đèo lớn nhất vùng Tây Bắc
Các nghiên cứu khả thi dự án xây dựng đường hầm đã được thực hiện từ năm 1996, và đến đầu năm 1998 Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 250 triệu USD từ nguồn vốn vay của của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và một phần đối ứng của Nhà nước.
Toàn tuyến công trình Hầm Đường bộ Hải Vân có chiều dài 12,047km, được thiết kế vĩnh cửu, tốc độ thiết kế 80km/h trong đó, hầm chính dài 6.280m có chiều rộng 10m cho 2 làn xe, độ cao cho phép xe đi qua là 7,5m; hầm cứu nạn chạy song song với hầm chính và có chiều dài tương tự, chiều rộng 4,7m, được nối với nhau bằng các hầm ngang, là đường thoát hiểm cho người và phương tiện khi có sự cố xảy ra.
Đây là hầm đường bộ dài nhất, hiện đại nhất Đông Nam Á và là một trong 30 đường hầm dài nhất trên thế giới.
Hầm đường bộ qua Đèo Hải Vân là một công trình giao thông tổng hợp gồm: đường, hầm, cầu và trang thiết bị vận hành đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế ở phía Bắc và TP. Đà Nẵng ở phía Nam hầm.
Hầm được làm theo dạng hình tròn để tăng khả năng chịu lực, tránh tập trung ứng suất tại góc.
Theo thống kê, bình quân mỗi ngày đêm có khoảng 6.500 lượt xe lưu thông qua hầm Hải Vân; những ngày Lễ, Tết con số đó có thời điểm tăng gấp đôi.
Hiện nay, Đèo Hải Vân đã trở thành điểm đến thu hút nhiều tour tham quan.Lên đến độ cao gần 500m so với mực nước biển, sau một chặng dài vượt đèo, hiện ra trước mắt du khách là cả một đất trời bao la, với Hải Vân Quan - điểm ranh giới giữa hai tỉnh, hai miền.
Hải Vân Quan nằm trên chính đường phân thủy của dãy núi Bạch Mã, cũng là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP. Đà Nẵng ngày nay.
Hải Vân Quan được xây hình cổng cuốn vòm. Phía cửa hướng về Thừa Thiên - Huế có tấm biển đá khắc chữ “Hải Vân Quan,” còn cửa hướng về Đà Nẵng có tấm biển khắc chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan.”
Đến năm 2017, Hải Vân Quan mới được xếp hạng là Di tích Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia.
Để khai thác tốt nhất tiềm năng du lịch nơi đây, đầu năm 2013, UBND TP. Đà Nẵng đã có quyết định công nhận Đỉnh đèo Hải Vân là điểm du lịch địa phương của TP. Đà Nẵng.
Tiếp sau đó, thành phố cũng lên phương án xây dựng Đèo Hải Vân thành Điểm Du lịch Quốc gia.
Theo sử sách, năm 1470, vua Lê Thánh Tông thân chinh mang quân đi đánh Chăm Pa. Khi tới Đèo Hải Vân, ấn tượng trước cảnh quan hùng vỹ, nhà vua đã cảm tác làm thơ và gọi nơi này là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan.”
Đầu thế kỷ XIX, sau khi thống nhất đất nước, triều Nguyễn chọn Huế làm kinh đô, Hải Vân trở thành cửa ngõ của kinh sư.
Sau khi chiếm xong Trung Kỳ, Tổng Tư lệnh Binh đoàn Pháp, tướng De Courcy, ra lệnh cấp tốc mở ngay con đường chiến lược qua Đèo Hải Vân để nối Huế với Đà Nẵng, đồng thời có thể cơ động quân nhanh chóng để bình định Quảng Nam khi cần.
Lực lượng Công binh Pháp đã bắt dân phu hai tỉnh làm đường từ năm 1886.
Từ năm 1902-1906, thực dân Pháp xây dựng tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân, chạy quanh co theo sườn núi, qua 6 hầm chui và 18 cầu. Tuyến đường sắt đó ngày nay vẫn tồn tại.