Luật hiện nay cho phép người lao động được rút bảo hiểm xã hội nhưng khi rút tất cả sẽ dẫn đến tình trạng số vào và số ra trong hệ thống bảo hiểm xã hội bằng nhau.
Rút bảo hiểm một lần chỉ là lợi trước mắt
Theo thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2016 - 2021, cả nước có hơn 4 triệu người lao động hưởng BHXH một lần (bình quân mỗi năm gần 700 nghìn người), năm sau luôn cao hơn năm trước bình quân hơn 11%/năm, tương ứng số tiền rút cũng tăng.
Đối với chính sách BHXH một lần dễ tiếp cận với người lao động, mức hưởng khá thoáng (mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 được tính hưởng bằng 1,5 tháng lương bình quân đóng, sau năm 2014 tính bằng 2 tháng lương). Do đó, người lao động sẽ tính tới chế độ này đầu tiên khi nghỉ việc và gặp các khó khăn tài chính trước mắt.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định: “Người hưởng BHXH một lần chủ yếu dưới 40 tuổi, bởi ở lứa tuổi trẻ hầu hết người lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Thêm vào đó, áp lực tài chính, sự thay đổi trong công việc của người trẻ thường lớn hơn lớp trung niên”.
Xét về điều kiện hưởng BHXH một lần, báo cáo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, có tới gần 99% người hưởng BHXH một lần thuộc nhóm nghỉ việc và không tham gia BHXH sau 12 tháng.
Mục tiêu của BHXH là đóng góp khi còn đi làm để có lương khi hết tuổi lao động, nhưng việc nhiều người trẻ chọn BHXH một lần sẽ phá vỡ mục tiêu này.
Hạn chế rút bảo hiểm một lần để đảm bảo quyền lợi
Hiện tại, tình trạng người lao động gặp rất nhiều khó khăn do khách quan, chủ quan dẫn đến lượng người muốn rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng.
Theo pháp luật hiện hành, người lao động được rút bảo hiểm xã hội nhưng khi rút tất cả sẽ dẫn đến tình trạng số vào và số ra trong hệ thống bảo hiểm xã hội bằng nhau hoặc gần bằng nhau.
Từ đó Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất ý kiến "Người có số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng tỉ lệ hưởng lương hưu 75% thì còn nhận thêm trợ cấp một lần". Như vậy, mỗi năm đóng BHXH được tính bằng một lần mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội. Việc này nhằm khuyến khích người lao động đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dài, ngăn "làn sóng" rút bảo hiểm một lần.
Với những phương án Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra, người lao động được rút 50% để giải quyết các vấn đề trước mắt. 50% còn lại có thể tiếp tục đóng thêm để khi về già vẫn có lương hưu, giải quyết những vấn đề áp lực tài chính mà họ có thể phải đối mặt.
Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho biết, mục tiêu của bảo hiểm hưu trí là tích luỹ cả đời. Khi người lao động có việc làm, thu nhập phải tiết kiệm, tích luỹ lại. Đến tuổi không còn khả năng lao động, họ vẫn có một khoản để trang trải cuộc sống.
Nhìn vào kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, nhiều nước hạn chế rút BHXH một lần. “Việc rút BHXH một lần ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề an sinh của người rút. Do nhu cầu trước mắt, thì đến khi hết tuổi lao động, khả năng lao động, thì lấy nguồn sống ở đâu để sinh sống? Suy cho cùng, chính sách hạn chế rút BHXH một lần nhằm đảm bảo an sinh lâu dài của người lao động”, ông Huân khẳng định.