Hạn chế tình trạng "khát xăng", nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng công suất lên 112%

07-11-2022 10:54|Thiên Ban

Nhà máy lọc dầu Dung Quất nâng công suất lên 112% nhằm góp phần giảm áp lực nguồn cung xăng dầu trong nước.

CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất cho biết, đây là công suất lớn nhất của nhà máy kể từ khi vận hành tới nay.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, công ty đã đàm phán với các chủ mỏ về khả năng gia tăng sản lượng khai thác và bổ sung thêm nguồn dầu thô tháng 11, tháng 12 cho nhà máy.

Bên cạnh đó, công ty cũng nhập khẩu thêm các lô nguyên liệu trung gian; rà soát, đánh giá các giải pháp kỹ thuật, an toàn hướng tới mục tiêu tăng công suất vận hành tối đa.

Đây là lần thứ 2 trong năm, nhà máy lọc dầu Dung Quất nâng công suất vận hành. Trước đó, ngày 18/10, đơn vị này tăng công suất vận hành từ 107% lên 109%. Hiện công suất 112% vượt 9% so với kế hoạch vận hành trung bình năm ở 103%.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn đã xuất bán gần 6,6 triệu m3 xăng dầu, cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ vượt hơn 450.000 m3 so với khối lượng đã cam kết. Hiện nhà máy này cung cấp khoảng 35% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước.

Ngày 5/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin, các số liệu sản lượng trong nước và nhập khẩu đến nay đã đạt 86% kế hoạch cả năm, nguồn cung hoàn toàn bảo đảm theo kế hoạch.

Trả lời chất vấn Quốc hội tại phiên họp của Quốc hội chiều 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã chỉ đạo 2 nhà máy lọc dầu (Dung Quốc và Nghi Sơn) vận hành ở công suất tối đa, đáp ứng 70 - 80% nhu cầu. Trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, Chính phủ cũng đã kịp thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần đối với xăng dầu để giảm giá, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng nhận định, nguyên nhân gây thiếu hụt xăng dầu, đặc biệt ở một số thành phố lớn là do nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa hiệu quả. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng được diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.

Hiện Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, để đảm bảo "chủ động, linh hoạt, hiệu quả" trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Trước đó, ngày 2/11, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1039 gửi Bộ trưởng các Bộ Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước là Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục tăng sản lượng sản xuất, sản lượng cung ứng ra thị trường.

Doanh nghiệp 67.000 tỷ đồng sắp niêm yết sàn HoSE: Kỳ vọng mới cho gần 40.000 cổ đông

BSR: Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất được hỗ trợ thu xếp nguồn vốn hơn 500 triệu USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/han-che-tinh-trang-khat-xang-nha-may-loc-dau-dung-quat-tang-cong-suat-len-112-156994.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hạn chế tình trạng "khát xăng", nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng công suất lên 112%
    POWERED BY ONECMS & INTECH