Tài chính Ngân hàng

Hàng chục tấn vàng được gom mỗi tháng, các NHTW trên thế giới đang toan tính gì?

Linh Nhi 17/10/2023 - 14:33

Tại sao các ngân hàng trung ương tích cực gom vàng?

Theo State Global Advisors, các NHTW trên toàn cầu đang “gom” vàng với số lượng kỷ lục kể từ đầu năm 2022. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong bối cảnh các quốc gia tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong dự trữ ngoại hối.

Ngoài việc đa dạng hoá tài sản dự trữ, xu hướng này còn được thúc đẩy bởi mong muốn của các NHTW trong việc củng cố bảng cân đối kế toán, tăng thanh khoản mà không tạo thêm rủi ro tín dụng.

Nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, tránh phụ thuộc đồng USD, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tăng dự trữ vàng tháng thứ 10 liên tiếp. Phía ngân hàng đã xác nhận lượng vàng thỏi do cơ quan này nắm giữ vào tháng 8 đã tăng thêm khoảng 29 tấn.

Tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng là bên mua lớn nhất trên thị trường thế giới khi nước này bổ sung thêm 23 tấn vàng vào kho dự trữ, theo số liệu mới nhất của WGC.

Hiện nay, tổng lượng vàng dự trữ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là 2.165 tấn, tăng 217 tấn kể từ khi Trung Quốc liên tục mua thêm vàng từ tháng 11 năm ngoái.

Theo Bloomberg, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là một trong những quốc gia mua vàng nhiều nhất trong thời gian gần đây. Các chuyên gia cho rằng nước này đang tập trung tìm cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối.

Việc Trung Quốc tích cực gom vàng đã giúp giá của kim loại quý này giữ vững ở mức cao bất chấp lãi suất tăng trên toàn thế giới. Mặt khác, việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc mua nhiều vàng đã khiến giá vàng dễ biến động mạnh trước bất kỳ sự thay đổi nào về nhu cầu trên thị trường.

Hiện nhu cầu của nước này vẫn còn khá lớn. Trung Quốc cũng không ngừng nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tăng cường mối quan hệ đối tác với các quốc gia BRICS nhằm tiến hành nhiều giao dịch thương mại bằng đồng tiền riêng của họ.

Theo tính toán của Bloomberg, tính đến cuối tháng 8, tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc chỉ còn 3.160 tỷ USD, giảm khoảng 44,2 tỷ USD so với cuối tháng 7.

Hàng chục tấn vàng được gom mỗi tháng, các NHTW trên thế giới đang toan tính gì?

Chia sẻ với Business Insider, Maxwell Gold, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư vàng tại State Street, cho rằng: "Động lực thúc đẩy các Ngân hàng Trung ương mua vàng là đa dạng hóa tài sản dự trữ, cải thiện bảng cân đối kế toán. Bên cạnh đó, vàng cũng là loại tài sản ít rủi ro tín dụng và giúp các ngân hàng có thể tăng thanh khoản của mình".

Vị chuyên gia cho rằng xu hướng này có thể sẽ vẫn được duy trì khi rủi ro kinh tế và địa chính trị tăng cao ở thời điểm hiện tại.

"Trong tương lai, các Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục mua ròng vàng", ông Gold dự đoán.

Các chuyên gia cho rằng xu hướng này dường như là một phần trong kế hoạch "phi đôla hóa" của nhiều quốc gia, với mục đích giảm sự phục thuộc vào đồng USD trong thương mại và đầu tư. Xu hướng này trở nên rõ ràng hơn sau khi Mỹ tận dụng ưu thế của đồng bạc xanh để áp đặt các biện pháp trừng phạt với một số quốc gia.

Trung Quốc và Nga đang đi đầu trong xu hướng này. Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cũng đang cân nhắc về việc sử dụng đồng tiền tệ chung.

"Trong những năm gần đây, hệ thống thanh toán SWIFT đã được sử dụng để áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran năm 2015 và Nga năm 2022. Động thái này đang vũ khí hóa đồng USD", ông Gold nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra, nếu Chính phủ coi các biện pháp trừng phạt quốc tế là mối rủi ro lớn thì việc chuyển từ tài sản bằng đồng USD sang một loại tài sản khác như vàng sẽ trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là trong trường hợp họ chịu lệnh trừng phạt.

Giá vàng xoay chiều chóng mặt, bốc hơi cả triệu đồng chỉ trong vài ngày

Nợ xấu gia tăng, ngân hàng trầy trật thanh lý tài sản đảm bảo là bất động sản

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hang-chuc-tan-vang-duoc-gom-moi-thang-cac-nhtw-tren-the-gioi-dang-toan-tinh-gi-206130.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hàng chục tấn vàng được gom mỗi tháng, các NHTW trên thế giới đang toan tính gì?
POWERED BY ONECMS & INTECH