Tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa gia nhập 'sân chơi mới' cùng Tesla, BYD, Samsung, tiềm năng lớn đến đâu?
Theo một đánh giá của hãng nghiên cứu thị trường MarketsandMarkets, ngành công nghiệp robot hình người nhiều khả năng sẽ "bùng nổ" trong vòng 5 năm tới và đạt giá trị hơn 13 tỷ USD.
Tiềm năng của robot thông minh
Một số nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do những thay đổi nhân khẩu học, điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm tới.
Trong khi đó, các tiến bộ về mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đang mang đến những đổi mới đột phá trong các ngành công nghiệp từ y tế đến sản xuất.
Sự kết hợp của hai xu hướng này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực robot nói chung hay robot hình người nói riêng - những cỗ máy tiên tiến với "bộ não" tích hợp AI, cùng cấu trúc cơ thể giống con người.
Việc áp dụng các robot hình người này có thể diễn ra nhanh chóng hơn so với phương tiện tự hành (autonomous vehicles). Điều này mở ra cơ hội đầu tư lớn trong các lĩnh vực phát triển robot, linh kiện quan trọng của chúng, cũng như những ngành nghề có thể tích hợp robot hình người vào lực lượng lao động.
Về tiềm năng của thị trường, năm 2040 dự kiến có khoảng 8 triệu robot hình người, thậm chí đến năm 2050, con số này có thể tăng lên 63 triệu, theo Morgan Stanley.
Adam Jonas, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về ô tô và không gian tại Morgan Stanley nhận xét: “Khi lực lượng lao động ở các nền kinh tế phát triển tiếp tục suy giảm, robot hình người có thể trở thành giải pháp cần thiết cho những ngành vốn đã gặp khó khăn trong việc thu hút đủ lao động để duy trì năng suất”.
Robot hình người dù có nhiều khớp chuyển động ở tay, chân và bàn tay và chúng có khả năng học hỏi và làm việc linh hoạt trong môi trường như nhà máy hoặc công trường.
Các ngành có nhiều công việc nặng, nguy hiểm như vận tải, kho bãi, xây dựng, sản xuất, nông nghiệp và khai khoáng sẽ được hưởng lợi lớn từ robot hình người.
Một công ty ô tô cao cấp của Đức từng tiến hành thử nghiệm việc sử dụng robot hình người tại nhà máy Spartanburg, Nam Carolina của Mỹ.
Robot công nghiệp có thể nâng vật nặng còn robot hình người sẽ giải quyết các nhiệm vụ như kiểm tra kiểm soát chất lượng, bảo trì, sửa chữa tại nhà máy, hoạt động lắp ráp phức tạp…
Hiện tại, các công việc lặp đi lặp lại, nhàm chán hoặc nguy hiểm, cũng như những ngành có chi phí lao động cao được cho là sẽ sớm tích hợp robot hình người.
Theo Morgan Stanley, mỗi robot hình người có thể mang lại khoản tiết kiệm 500.000 đến 1 triệu USD mỗi lao động trong vòng 20 năm. Chi phí chế tạo robot hình người dao động từ 10.000 đến 300.000 USD, tùy thuộc vào cấu hình và mục đích sử dụng.
Việc phát triển robot hình người cần sự tiến bộ liên tục của công nghệ AI tạo sinh, cảm biến và pin. Dù còn ở giai đoạn đầu, nhưng những tiến bộ gần đây đã mang lại động lực lớn cho lĩnh vực này.
Morgan Stanley nhận định: “Robot sẽ tiếp tục bổ trợ và nâng cao năng suất lao động con người, giải phóng chúng ta khỏi những công việc nhàm chán và nguy hiểm”.
Cuộc đua robot trên toàn cầu
Nhắc đến robot hình người không thể không nhắc đến Sophia - robot hình người được trao quyền công dân đầu tiên trên thế giới. Sophia được phát triển bởi Hanson Robotics, hãng công nghệ robot có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc).
Sophia được tích hợp trí thông minh nhân tạo, với gương mặt và cơ thể được thiết kế giống như con người. Nó được kích hoạt lần đầu vào tháng 2/2016.
Hay mới đây, tại sự kiện Cybercab diễn ra hồi tháng 10 ở Mỹ, Tesla đã cho robot hình người Optimus trình diễn trước công chúng. Nó có thể thực hiện nhiều động tác như phát túi quà và đồ uống cho khách mời, pha chế hay chơi oẳn tù tì với những người tham dự.
Trong lĩnh vực sản xuất, MagicLab - công ty khởi nghiệp đến từ Trung Quốc cũng đã giới thiệu “đội quân” robot hình người của họ đang làm việc tại một nhà máy. Cụ thể, trong một đoạn video, robot MagicBot của MagicLab đã thực hiện nhiều nhiệm vụ như giám sát sản xuất, xử lý vật liệu, thu nhặt và sắp xếp linh kiện, quản lý kho hàng…
Các robot hình người này cũng thể hiện khả năng hợp tác vận hành ở quy mô nhỏ, cho thấy chúng có thể làm việc hiệu quả cùng với nhau.
Samsung mới đây cũng nâng tỷ lệ sở hữu tại Rainbow Robotics, từ 14,7% vào năm 2023 lên 35% trong năm 2024. Theo đó, việc trở thành cổ đông lớn nhất sẽ giúp họ tăng tốc phát triển robot trong tương lai, đặc biệt là robot hình người.
Hay thương hiệu xe điện hàng đầu Trung Quốc BYD cũng được cho là đang lên kế hoạch tham gia vào cuộc đua robot thông minh này.
Và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Gần đây, Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (VIC) đã thông qua việc thành lập Công ty cổ phần Nghiên cứu phát triển và ứng dụng người máy (VinRobotics) với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Trong đó, Vingroup giữ 51% cổ phần, ông Phạm Nhật Vượng góp 39%. Hai người con của ông Vượng là Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Hoàng mỗi người có 5% cổ phần.
Được biết, VinRobotics hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các giải pháp tự động hóa, robot công nghiệp và trí tuệ nhân tạo (AI). Công ty dự kiến sản xuất và tích hợp các sản phẩm người máy và robot thông minh, nhằm cung cấp giải pháp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả công việc.
Theo một đánh giá của hãng nghiên cứu thị trường MarketsandMarkets, ngành công nghiệp robot hình người nhiều khả năng sẽ "bùng nổ" trong vòng 5 năm tới và đạt giá trị hơn 13 tỷ USD.