Việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành là khá bất ngờ, tuy nhiên, quyết sách điều hành chính sách tiền tệ mới nhất của NHNN có thể coi là hành động thức thời trong bối cảnh vĩ mô hiện nay.
NHNN công bố giảm một số lãi suất điều hành
Vừa qua, NHNN công bố việc giảm một số lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5% đến 1,0%, có hiệu lực bắt đầu từ hôm nay (15/03/2023).
Theo đó, lãi suát tái chiết khấu sẽ được điều chỉnh giảm từ 4,5%/năm còn 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN từ 7,0%/năm còn 6,0%/năm.
Đồng thời, lãi suất tối đa cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm từ 5,5%/năm còn 5,0%/năm. Tuy nhiên, lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng vẫn giữ nguyên ở mức 6,0%/năm.
Theo báo cáo mới cập nhật tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đầu năm 2023, nhóm phân tích cho rằng, nhiều khả năng NHNN sẽ duy trì mặt bằng lãi suất điều hành và đánh đổi một số mục tiêu chính sách, ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng và ổn định thị trường tiền tệ trong nước.
Việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành là khá bất ngờ, tuy nhiên, quyết sách điều hành chính sách tiền tệ mới nhất của NHNN có thể coi là hành động thức thời trong bối cảnh lãi suất huy động trong nước đã có xu hướng hạ nhiệt và môi trường vĩ mô thế giới có những chuyển biến mới.
Mặt bằng lãi suất huy động hạ nhiệt
Như VDSC đã đề cập, mặt bằng lãi suất huy động trong nền kinh tế có xu hướng giảm trên diện rộng trong các tháng đầu năm. Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 02/2023, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khoảng 0,4 điểm % so với đầu năm.
Đầu tháng 3/2023, các ngân hàng TMCP quốc doanh và tư nhân đã thống nhất tiếp tục giảm lãi suất huy động thêm khoảng 0,2-0,5 điểm %. Theo đó, nhóm phân tích ước tính mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường đã giảm khoảng 0,5-0,8 điểm % so với đầu năm, chủ yếu ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Như vậy, đợt tăng lãi suất diễn ra vào cuối năm ngoái về cơ bản đã hạ nhiệt nhờ áp lực thanh khoản và đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) giảm cùng với nhu cầu tín dụng yếu trong những tháng đầu năm.
Theo NHNN, tính đến 09/03/2023, huy động vốn và tín dụng toàn hệ thống tăng lần lượt 0,45% và 1,12% so với cuối năm 2022, đều là mức tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước (tính đến cuối tháng 02/2022, huy động vốn và tín dụng tăng lần lượt 1,4% và 2,7% so với cuối năm 2021).
Riêng đối với vấn đề của thị trường TPDN, ngày 05/03/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số quy định của Nghị định 65 nhằm tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp đàm phán với trái chủ.
Hành động chính sách “thức thời và có cân nhắc” trong bối cảnh vĩ mô hiện tại
Một trong những yếu tố chúng tôi cho rằng quyết sách của NHNN là thức thời khi xem xét bối cảnh vĩ mô trong nước và quốc tế. Về vĩ mô trong nước, chỉ số cơ bản về sản xuất và tiêu dùng các tháng đầu năm là tương đối thấp nếu so với mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6,5% của Chính phủ cho năm 2023.
Trong hai tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ và doanh thu bán lẻ hàng hoá tăng 9,2% so với cùng kỳ (sau khi loại trừ yếu tố giá). Triển vọng xuất khẩu và tiêu dùng trong các tháng tới nhìn chung khó cải thiện nhiều.
Ngoài ra, VDSC cũng có nhận định rằng lạm phát đầu năm có thể đã đạt đỉnh và kỳ vọng sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới.
Về bối cảnh quốc tế, sự chú ý vẫn đổ dồn về chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed, bức tranh lạc quan về tiêu dùng và việc làm trong khi lạm phát hạ nhiệt chậm dẫn đến kỳ vọng rằng Fed sẽ trở nên “diều hâu” hơn nữa trong việc nâng lãi suất. Kỳ vọng thị trường đột ngột xoay chuyển sau sự việc đổ vỡ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) vào thứ Sáu tuần trước (10/03).
Có thể nói, việc Fed nâng lãi suất nhanh và mạnh trong giai đoạn vừa rồi là một trong những lý do dẫn đến việc phá sản của SVB bên cạnh những lý do đến từ đặc thù kinh doanh của chính họ.
Mặc dù SVB là một ngân hàng có quy mô tài sản thuộc top 20 ngân hàng lớn nhất tại Mỹ và đây là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai tại Mỹ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, tác động của việc phá sản ngân hàng này được kỳ vọng sẽ “khu trú” ở lĩnh vực công nghệ/khởi nghiệp nhưng quan ngại về những tác động khó lường của môi trường lãi suất cao phần nào đang xoay chuyển câu chuyện Fed nâng lãi suất trong những ngày vừa qua.
Hiện tại, chúng tôi cho rằng đường hướng lãi suất của Fed vẫn sẽ như kỳ vọng vào đầu năm, theo báo cáo. Trong kịch bản xử lý tốt được quá trình phá sản của SVB và rủi ro lây lan hệ thống là hạn chế thì lạm phát vẫn là trọng số quan trọng nhất để nhìn về lãi suất mục tiêu cuối cùng của Fed cũng như thời điểm chu kỳ tăng lãi suất sẽ đảo chiều.
Phân tích thêm về những điều chỉnh trong việc giảm lãi suất điều hành, chúng tôi cho rằng việc điều chỉnh lãi suất phù hợp với tình hình hiện tại khi NHNN giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Điều này cho thấy, NHNN dư địa điều hành trong bối cảnh vẫn còn đó áp lực đáo hạn TPDN và rủi ro trong kịch bản tăng lãi suất của Fed. Trong khi đó, lãi suất tái chiết khấu giảm mạnh với mục đích hỗ trợ nền kinh tế và định hướng giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.
Lãi suất tái chiết khấu thường là lãi suất tham chiếu ở mức sàn cho lãi suất liên ngân hàng nên cũng có thể thấy ở đây NHNN cũng có sự đánh đổi đối với mục tiêu ổn định tỷ giá.
Ngày 15/03/2023, kết quả đấu thầu trên thị trường mở cho thấy lãi suất trúng thầu đối với nghiệp vụ mua kỳ hạn đã giảm từ 6,0%/năm còn 5,5%/năm. Lãi suất liên ngân hàng kỳ vọng sẽ có nhịp điều chỉnh tương tự sau động thái giảm lãi suất của NHNN.
Về lãi suất huy động và cho vay, nhóm phân tích cho rằng, phần nhiều vẫn phụ thuộc vào cung-cầu vốn trong thời gian tới. Tín dụng tăng tốc trong các quý tới cùng với áp lực đáo hạn TPDN tăng trở lại có thể sẽ là lực cản đối với đà giảm tiếp của lãi suất huy động.