Hành vi gian lận xuất xứ không thể làm giảm uy tín của hàng xuất khẩu Việt

07-06-2022 13:32|Hồng Liên

Với chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang là một trong những lựa chọn để các doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển sản xuất khi bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ nước thứ ba...

Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh qua từng năm. Năm 2001 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ đạt hơn 30 tỷ USD nhưng đến năm 2011 con số này đã lên tới 200 tỷ USD và năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD.

Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Xuất khẩu đã trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Cán cân thương mại hàng hóa đã có thặng dư, năm sau cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ mình.

Trên thực tế, tính đến hết quý 1/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Trong số đó, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chiếm 25 vụ và ngày càng có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung và khi Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.

Điển hình gần đây nhất, Hoa Kỳ đang xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ có hay không sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc thuộc phạm vi áp dụng của biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng với sản phẩm tương tự của Trung Quốc.

Với một số sản phẩm ống thép dạng vuông, chữ nhật, nguyên đơn cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc và Hàn Quốc, sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Hoa Kỳ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Phân tích của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, khi doanh nghiệp xuất khẩu của một nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp này thường tìm cách khắc phục bằng việc chuyển sản xuất sang nước khác.

Trong khi đó, với chính sách thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp đó để dịch chuyển sản xuất.

Trước thực trạng này, nhằm đấu tranh, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, Bộ Công Thương đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo gồm 11 mặt hàng để thông tin cho các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác.

Trên cơ sở danh sách cảnh báo do Bộ Công Thương cung cấp, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan liên quan xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm theo lộ trình tại Đề án 316 và thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 824 nhằm tăng cường hơn nữa việc quản lý, giám sát các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để đảm bảo uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Mặt hàng tỷ đô của Việt Nam giữ 'ngôi vương' toàn cầu trong hơn 20 năm, xuất khẩu 234 nghìn tấn trong 11 tháng

Việt Nam chính thức đưa vào thử nghiệm thuốc điều trị ung thư dạng uống của Mỹ, sản xuất cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hanh-vi-gian-lan-xuat-xu-khong-the-lam-giam-uy-tin-cua-hang-xuat-khau-viet-130163.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hành vi gian lận xuất xứ không thể làm giảm uy tín của hàng xuất khẩu Việt
    POWERED BY ONECMS & INTECH